Bước đi thông minh của ông Putin ở Belarus

Ngày 14-9 (giờ địa phương), Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã bay tới TP Sochi thuộc vùng TP Krasnodar (Nga) nhằm hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo hãng tin Reuters. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Lukashenko từ khi làn sóng biểu tình phản đối nhà lãnh đạo này ở Belarus bùng phát năm tuần qua. Chuyến đi này được xem có ý nghĩa quyết định với số phận chính trị của ông.

Sau phiên trao đổi kéo dài bốn tiếng, phát ngôn viên Dmitry Peskov của ông Putin cho biết ông ủng hộ cải cách hiến pháp Belarus, giải pháp bị phe đối lập chỉ trích là sẽ không tạo ra thay đổi đáng kể. Ông Putin cũng kỳ vọng người dân Belarus tự giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình, hợp lý. Moscow cũng cam kết cho Minsk vay 1,5 tỉ USD để có thêm nguồn lực giải quyết khó khăn trước mắt.

Nga vẫn tin tưởng ông Lukashenko

Trong ngắn hạn, khoản hỗ trợ tài chính và những phát ngôn ủng hộ của ông Putin dành cho chính quyền Minsk sẽ giúp ông Lukashenko củng cố vị thế hiện có, giảm đáng kể nguy cơ bị phe đối lập lật đổ. Trả lời phỏng vấn của tờ Japan Today, biên tập viên Fyodor Lukyanov của tạp chí Global Affairs chỉ ra hầu hết nguồn ngân sách của Belarus lâu nay đều đến từ các hoạt động tinh chế dầu thô nhập từ Nga cũng như các khoản vay từ nước này. Do đó, việc Moscow tiếp tục cho Minsk vay thêm một khoản tiền lớn như vậy chứng tỏ Nga vẫn còn nhiều niềm tin vào khả năng trấn an tiếng nói đối lập của ông Lukashenko và tình hình vẫn có cơ hội cải thiện.

“Mặt khác, rất có thể hai lãnh đạo đã đưa ra một số thỏa thuận hay cam kết kín nào đó, bởi nếu chỉ có ký kết cho vay thì chỉ cần một cuộc điện đàm là đủ, ông Lukashenko không cần phải bỏ công đi đến TP Sochi làm gì. Vì vậy, ông Lukashenko sau khi quay về Belarus sẽ là một Lukashenko tự tin hơn vì đã có Nga đứng sau” - chuyên gia Lukyanov bình luận.

Về phía Moscow, sau cuộc gặp giữa ông Lukashenko và ông Putin thì gần như chắc chắn Belarus sẽ ngã vào quỹ đạo của Nga. Belarus đã trở thành vùng đệm giữa Nga và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Moscow không phải sử dụng đến các động thái như đổ quân can thiệp. Dĩ nhiên, những biện pháp đổ quân sang vẫn được cân nhắc trường hợp diễn biến ở Belarus trở nên cấp bách hơn nhưng việc ông Putin khi hội đàm không đưa ra bất kỳ tuyên bố hay kế hoạch đưa quân cụ thể nào chứng tỏ đây hiện không phải là ưu tiên của Nga.

“Có thể nói đây là bước đầu tiên trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu tách Belarus khỏi mọi ảnh hưởng của phương Tây để đảm bảo khu vực biên giới phía tây bắc ổn định, ít biến động” - đài CNN dẫn lời học giả Keir Giles thuộc Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) nhận định.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp đón Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (trái) khi ông vừa đáp xuống TP Sochi (Nga) để tham gia hội đàm ngày 14-9. Ảnh: TASS

Tầm nhìn dài hạn của Moscow

Cũng theo ông Giles, ra mặt bảo vệ chính quyền Minsk cũng là một cách để Nga đảm bảo hình ảnh và uy tín của mình. Cụ thể, Belarus, dù lâu nay duy trì chính sách đối ngoại trung lập với Moscow và phương Tây, về mặt lịch sử vẫn là một trong những đồng minh lâu đời nhất của Nga khi cả hai đều là cựu thành viên Liên Xô.

Vì vậy, nếu để mặc Minsk tự xoay xở với phong trào biểu tình trong nước và đối mặt với sự phản đối từ cộng đồng quốc tế thì Nga sẽ bị chỉ trích là một đồng minh không có trách nhiệm và những nước có ý định kết thân với Moscow sẽ phải dè chừng. Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ ông Lukashenko, Moscow cũng đang ngầm phát tín hiệu mạnh mẽ tới các lực lượng chống đối tại khu vực bất ổn khác như bán đảo Crimea, Ukraine hay thậm chí ngay trong chính lãnh thổ Nga rằng Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ phong trào thay đổi chế độ nào mang hơi hướng phương Tây, nhằm đảm bảo môi trường chính trị khu vực ổn định và dễ đoán hơn. “Lo ngại lớn nhất của Nga là toàn bộ diễn biến hiện tại đều do phương Tây đạo diễn với mục tiêu lớn nhất là lật đổ chính quyền Moscow” - học giả Keir Giles bình luận.

Hiện Nga vẫn chưa đặt quá nhiều áp lực lên Belarus do lo ngại người biểu tình có thể phản ứng. Tuy nhiên, theo thời gian, yêu cầu từ Moscow sẽ tăng dần và Minsk không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ, dập tắt bất kỳ hy vọng trung lập nào của nước này.

TS KATIA GLODTrung tâm Phân tích chính sách châu Âu (CEPA) 

Do đó, trong bối cảnh xung đột với phương Tây, Nga phải cần giữ lại càng nhiều đồng minh, đối tác càng tốt và Belarus cũng không phải là ngoại lệ. Moscow đang xúc tiến kế hoạch thành lập nhà nước liên minh Nga - Belarus theo đúng thỏa thuận ký kết vào tháng 12-1999. Đây là kế hoạch thành lập một cơ quan chung quản lý các chính sách đối ngoại, quốc phòng, kinh tế của cả hai nước, gần giống mô hình của Liên minh châu Âu (EU) nhưng cơ quan của Belarus - Nga có nhiều quyền lực hơn. Nếu Tổng thống Lukashenko bị lật đổ thì kế hoạch này chắc chắn sẽ thất bại vì chính quyền mới nhiều khả năng sẽ duy trì một chính sách độc lập hoặc thân phương Tây hơn, khó chấp nhận một đề xuất đậm ảnh hưởng của Nga như vậy.

Trên thực tế, phe đối lập Belarus vẫn nỗ lực tìm cách đối thoại để thuyết phục chính phủ Nga lắng nghe ý kiến của lực lượng này. Ngày 14-9, cổng thông tin điện tử Hội đồng Điều phối của phe đối lập đã đăng tải một thỉnh nguyện thư gửi đến “các quan chức và công chúng Nga” để kêu gọi Moscow cân nhắc lập trường của lực lượng đối lập Belarus.

“Nguyện vọng của một bộ phận đáng kể trong xã hội Belarus cần được lắng nghe và xem xét tại Nga. Chúng tôi dĩ nhiên hoan nghênh sự phát triển quan hệ Belarus - Nga trên tất cả lĩnh vực. Tuy nhiên, việc giới chức Nga ủng hộ các hành động trấn áp thay vì đối thoại của cơ quan an ninh Belarus chắc chắn sẽ để lại ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng lên mối quan hệ này” - hãng thông tấn TASS dẫn nội dung thư cho biết.

Được Nga tiếp sức, Minsk phát biểu cứng rắn

Ngay sau cuộc gặp giữa ông Lukashenko và ông Putin, Bộ Quốc phòng Belarus ngày 15-9 đã ra tuyên bố khẳng định sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ trước bất kỳ mối đe dọa quân sự nào nhằm vào nước này trong khuôn khổ cam kết của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO).

Theo Reuters, CSTO là liên minh quân sự thành lập năm 2002 với thành viên là các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Bộ Quốc phòng Belarus cho rằng có một số nước láng giềng đang cố tình phá hoại mối quan hệ giữa Minsk và Moscow nhưng không nêu tên cụ thể.

Cùng ngày, Thượng viện Belarus cũng ra tuyên bố cáo buộc nước láng giềng Lithuania vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế khi công nhận chính trị gia đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya là nhà lãnh đạo hợp pháp của Belarus. Cơ quan này khẳng định đây là động thái “can thiệp trắng trợn” vào các vấn đề nội bộ Belarus. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm