Chuyên gia quân sự Brad Lendon trong một bài viết cho CNN đã giải thích cách mà Mỹ triệt phá các nhà máy sản xuất hỗ trợ quân đội Nhật Bản như thế nào. Bài học từ thất bại của Tokyo đã mang lại những góc nhìn quan trọng việc đánh giá tư duy quân sự của Trung Quốc ở biển Đông.
Mỹ-Nhật ở Thế chiến thứ II
"Sau trận tiến công đảo Saipan (trong đó lính Nhật mất 29.000 quân giữ đảo), Mỹ bắt đầu chiếm lần lượt các đảo kề cạnh là đảo Tinian và đảo Guam. Trên cả ba đảo, quân đội Mỹ đều cho lắp đặt các đường bay đều phục vụ cho các oanh tạc cơ hạng nặng B-29, oanh tạc cơ tối tân nhất thời điểm Thế chiến II", ông Lendon viết, đồng thời chỉ ra rằng có một lúc đường bay ở đảo Tinian được xây dựng quy mô đến mức nó trở thành phi trường lớn nhất thế giới thời bấy giờ, khi có thể hỗ trợ đến 270 chiếc B-29 nhờ vào sáu đường băng trên đảo.
Suốt nhiều tháng sau đó, số oanh tạc cơ trên liên tục rải thảm lên Tokyo và các khu công nghiệp phục vụ quốc phòng ở thành phố này. Đến tháng 8-1945, từ căn cứ không quân trên Tinian, hai chiếc B-29 mang theo hai quả bom nguyên tử thả xuống hai TP Hiroshima và Nagasaki, chính thức kết thúc chiến tranh.
"Khi xem xét những căng thẳng hiện tại ở biển Đông, nơi mà Trung Quốc cũng đang tiến hành xây dựng các đường băng (trái phép), cuộc chiến trên đảo Saipan đã để lại nhiều bài học không thể bỏ qua", chuyên gia Brad Lendon nhận xét.
Hải quân Trung Quốc hoạt động ở biển Đông. Ảnh: GETTY
Và góc nhìn đối với Trung Quốc ở Biển Đông
Theo CNN, Bắc Kinh trong nhiều năm đã cho xây dựng nhiều công trình quân sự và đường băng trên các bãi cạn và đảo chiếm đóng trái phép. Những công trình này sẽ cho Không quân Trung Quốc khả năng mở rộng phạm vi triển khai hoạt động.
"Những oanh tạc cơ chiến thuật của Trung Quốc nếu có thể xuất kích từ các đảo (ở biển Đông) sẽ là vấn đề (quan trọng). Các phi trường và hải cảng ở phía Bắc nước Úc cũng sẽ dễ dàng bị tấn công bằng tên lửa dẫn đường phóng từ các chiến đấu cơ, đẩy bất kỳ oanh tạc cơ hay tàu chở dầu của Không quân Mỹ ở đó vào vòng nguy hiểm", nhà phân tích quân sự Peter Layton thuộc Viện Nghiên cứu châu Á của ĐH Griffith (Úc) giải thích.
Theo ông Layton, động thái mở rộng quân sự của Trung Quốc cũng đã đe doạ đến các khu vực như căn cứ Tindal của Không quân Hoàng gia Úc vốn đặt ở phía Bắc nước này. Ông nhận định đây là "một thay đổi lớn" khi lâu nay các căn cứ như Tindal thường "nằm ngoài phạm vi tấn công" của Trung Quốc.
Trước mức độ nghiêm trọng của vấn đề, năm 2018 Viện Rand Corporation (Viện Nghiên cứu chính sách của Chính phủ Mỹ) khuyến nghị giữa Mỹ và Úc nên tăng cường các diễn tập không quân chung nhằm tránh cho Trung Quốc có thêm bất kỳ hành động nào. Lần tập trận chung gần đây nhất giữa hai nước diễn ra hồi tháng 5-2019 ở Lãnh thổ Bắc Úc.
Theo đánh giá của cựu Đại tá Hải quân Mỹ Carl Schuster, các đường băng ở biển Đông đã gia tăng tầm tấn công của oanh tạc cơ quy mô nhất của Trung Quốc H-6K thêm gần 1.700 km. Được trang bị tên lửa dẫn đường tầm xa, các oanh tạc cơ này có thể hoạt động an toàn ngoài tầm tấn công của các hệ thống phòng không trong khi vẫn giữ được hiệu quả tác chiến.
"Bằng việc kiểm soát hoàn toàn biển Đông, Trung Quốc có thể mở rộng sức mạnh không quân và hải quân đến tận cửa ngỏ phía Tây của Thái Bình Dương, bao gồm Malacca (Malaysia), Sundra (Nam Phi) và eo biển Lombok", dẫn lời ông Schuster.
Không dừng lại ở đó, ông cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ có thể "bảo vệ đường vào và đường lui của các lực lượng hải quân và hàng hoá chảy qua Ấn Độ Dương, khu vực mà gần 45% hàng xuất khẩu và vật liệu Trung Quốc đi qua".
"Sự kiểm soát này cũng mở rộng vùng đệm quốc phòng của Bắc Kinh về hướng Đông Nam thêm gần 970 km và đe doạ cả Nhật Bản và Đài Loan, bởi các vùng biển này là tối quan trọng đối với nền kinh tế của các khu vực trên", cựu Đại tá Carl Schuster nói thêm.
Cần có đối sách chiến lược toàn diện
Theo CNN, Trung Quốc lâu nay khẳng định các công trình quân sự ở biển Đông được xây dựng chỉ nhằm mục đích phòng thủ các khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia và chuyên gia phân tích cho thấy Bắc Kinh quân sự hóa biển Đông trái phép không chỉ vì mục tiêu phòng thủ.
Hãng tin CNBC hôm 1-7 dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết Trung Quốc đã tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo đối hạm trái phép tại vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông trong cuộc tập trận quân sự tại nằm cách quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) khoảng 50 hải lý về phía Bắc từ ngày 29-6 đến 2-7.
Trước đó hồi tháng 6, ít nhất bốn chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc bị phát hiện triển khai đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng phi pháp.
Trước những hành vi của Trung Quốc, vai trò của ASEAN và các chương trình hợp tác mang tính chiến lược với Mỹ làm trọng tâm và các đồng minh, đối tác tại khu vực châu Á rất quan trọng. Trong đó, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các trục quân sự, kinh tế, ngoại giao và pháp lý để tạo ra một trật tự đủ gây sức ép với Bắc Kinh. Tất nhiên, đây là một bài toán dài hơi chứ không phải ngày một ngày hai mà có thể thực hiện được.