Hai ông Trump-Khamenei cùng không vội, chờ xem

Không nghi ngờ gì quan hệ Mỹ-Iran đang ở giai đoạn căng thẳng nguy hiểm nhất trong nhiều năm qua, sau khi Mỹ giết tướng Qassem Soleimani và Iran trả đũa bằng cách nã hàng chục tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, trong một bài viết trên đài CNN, nhà nghiên cứu cấp cao Aaron David Miller nhận định cả Iran và Mỹ đã né thành công một viên đạn cực nguy hiểm.

Nhà nghiên cứu cấp cao Aaron David Miller tại tổ chức chính sách đối ngoại Vì hòa bình quốc tế Carnegie (Mỹ), từng là nhà thương lượng về Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong các chính phủ Dân chủ lẫn Cộng hòa. Ông Miller còn là tác giả cuốn sách Kết thúc của sự vĩ đại: Tại sao người Mỹ không thể (và không muốn) có một tổng thống vĩ đại nữa.

Ông Trump và ông Khamenei cùng có điểm chung

Có thể thấy rõ hai bên đều tránh leo thang căng thẳng lên mức nghiêm trọng vượt quá tầm kiểm soát.

Có nhiều ý kiến đánh giá rằng Iran và lãnh tụ tối cao Iran - ông Ali Khamenei đã cố ý sắp xếp để vụ nã tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq không làm chết lính Mỹ nào nhằm tránh làm Mỹ và Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận.

Ý đồ của ông Khamenei đã được thực hiện khi ông Trump quyết định xuống thang, không làm dữ sau vụ nã tên lửa của Iran.

Căn cứ không quân Ayn al-Asad của Mỹ ở Iraq sau khi hứng tên lửa đạn đạo từ Iran. Ảnh: REUTERS

Căn cứ không quân Ayn al-Asad của Mỹ ở Iraq sau khi hứng tên lửa đạn đạo từ Iran. Ảnh: REUTERS

Sau khi hai căn cứ Mỹ bị Iran nã tên lửa, ông Trump viết trên Twitter rằng “tới giờ mọi việc vẫn tốt”. Ông Trump phát biểu trước toàn dân Mỹ vào sáng 8-1 sau sự kiện này với thái độ tự tin thậm chí hài lòng.

Nhận định về diễn biến này, ông Miller cho rằng cả ông Trump và ông Khamenei đều có một điểm chung: muốn giữ quyền lực; và một cuộc chiến giữa hai nước không tốt về chính trị cho bên nào.

Song theo ông Miller, có vẻ ông Trump đã có sự nhầm lẫn tai hại về cả sức mạnh, ảnh hưởng của Mỹ lẫn khả năng của Iran. Nếu cho rằng chuyện Mỹ giết tướng Soleimani đã chìm vào quá khứ trong quan điểm của Iran, hay nước này sẽ “dịu xuống” như lời ông Trump nói thì đó là điều ngớ ngẩn.

Cả hai đều không vội

Iran không có gì phải vội, theo ông Miller. Tuy nhiên, chương trình tên lửa đạn đạo của nước này vẫn sẽ tiếp tục. Iran cũng sẽ đẩy nhanh làm giàu uranium dù có cho phép thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế vào kiểm tra đi nữa. Và điều quan trọng nữa, Iran dĩ nhiên sẽ không từ bỏ các nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực.

Tên lửa đạn đạo Fateh-110 – tên lửa được cho đã được Iran sử dụng nã sang hai căn cứ Mỹ ở Iraq - trong một lần thử. Ảnh: AFP

Tên lửa đạn đạo Fateh-110, tên lửa được cho đã được Iran sử dụng nã sang hai căn cứ Mỹ ở Iraq, trong một lần thử. Ảnh: AFP

Trong bối cảnh này, Iraq sẽ là chiến trường chính. Iran sẽ tiếp tục làm áp lực để chính phủ Iraq buộc Mỹ rút quân. Và nếu điều này không thành công thì sự hợp tác Mỹ-Iraq, đặc biệt cuộc chiến đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ dẫn đầu sẽ bị kiềm lại. Các lực lượng Động viên Nhân dân - các đơn vị người Shia ở Iraq mà phần nhiều có quan hệ chặt với Iran có thể sẽ nghĩ tới khả năng trả thù việc Mỹ giết lãnh đạo của họ Abu Mahdi al-Muhandis chết cùng với tướng Soleimani trong cuộc không kích của Mỹ.

Việc ông Trump chọn không trả đũa chuyện Iran nã tên lửa hai căn cứ Mỹ là dấu hiệu tốt, theo ông Miller. Tuy nhiên không nên lẫn lộn sự kiềm chế này với bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào trong chính sách Iran của chính phủ Trump hay Mỹ sẽ giảm nhẹ chiến dịch tối đa hóa áp lực lên Iran. Một minh chứng là trong bài phát biểu sau khi Iran nã tên lửa hai căn cứ Mỹ, ông Trump có đề cập đến chuyện trừng phạt thêm Iran.

Ông Trump nói Iran hoàn toàn có cơ hội trở thành một đất nước tuyệt vời và hòa bình nếu từ bỏ thái độ hiếu chiến. Ông Trump cũng đề cập đến chuyện thay thế thỏa thuận hạt nhân hiện tại bằng một thỏa thuận mới hợp lý hơn. Nhưng theo ông Miller, có quá ít lý do để tin ông Trump hay chính phủ ông sẽ chủ động thực hiện hướng đến điều này.

Hai ông Trump (trái) và Khamenei (phải) cần nhưng khó có thể có một kênh “giảm xung đột”. Ảnh: AL JAZEERA

Ông Trump (trái) và ông Khamenei (phải) cần nhưng khó có thể có một kênh “giảm xung đột”. Ảnh: AL JAZEERA

Rõ ràng Mỹ và Iran cần một kênh “giảm xung đột”. Tuy nhiên theo ông Miller, tránh được khủng hoảng không có nghĩa hai nước đang trên đường tiến đến một quan hệ tốt hơn. Không có dấu hiệu gì cho thấy Mỹ hay Iran mong muốn và có thể thương lượng hay đối thoại nghiêm túc với nước kia, dù thực sự đây là điều cần thiết. Với sự giận dữ từ Iran và sự mất lòng tin của ông Khamenei với ông Trump, cũng như khoảng cách giữa Tehran và Mỹ về mọi thứ từ tên lửa đạn đạo cho đến vai trò của Iran trong khu vực, thì khả năng này khó có thể hình dung.

Thay vào đó, thế giới khả năng lớn tới đây sẽ lại chứng kiến một sự cạnh tranh đáng ngại mang đặc trưng của quan hệ Mỹ-Iran hàng thập kỷ nay, theo ông Miller.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm