Ngày 3-1, Mỹ tuyên bố đã sử dụng máy bay không người lái không kích vào gần sân bay quốc tế Baghdad và tiêu diệt tướng Qassem Soleimani - Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Vụ tấn công đã khơi mào chiến dịch trả thù của Tehran mang tên "Thánh Soleimani".
Sáng sớm 8-1, Iran cho nã hàng chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Phòng Mỹ phản ứng, Iran cho đặt toàn bộ hệ thống phòng không mình vào tình trạng báo động cao nhất. Và giữa bối cảnh căng thẳng và nguy hiểm này, do "lỗi con người", khoảng 4 tiếng sau, phía Iran phóng tên lửa bắn nhầm vào một máy bay chở khách của Ukraine khiến toàn bộ 176 hành khách thiệt mạng.
Một bức ảnh từ hiện trường vụ không kích ở sân bay quốc tế Baghdad rạng sáng 3-1. Ảnh: STRIPES
Nhìn lại quan hệ Mỹ-Iran, cái chết của tướng Soleimani đã trở thành điểm leo thang căng thẳng cao nhất sau chiến lược "tối đa hóa áp lực" của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các lệnh trừng phạt lên Iran. Nhưng dường như như bản thân ông Trump cũng không phải là "kiến trúc sư" của chiến lược này.
Quyết định gây choáng váng của Tổng thống Trump
Ngày 4-1, tờ The Washington Post tiết lộ một số lãnh đạo cấp cao ở Washington cũng "choáng váng" trước hành động tiêu diệt tướng Iran của ông Trump. Và CNN đã lý giải cho quá trình ra quyết định này của ông Trump, trong một bài viết hôm 9-1.
Còn nhớ, vào tháng 6-2019, Iran thông báo bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ mà Tehran cáo buộc đã vi phạm không phận của mình. Lúc đó, Washington đã sẵn sàng tấn công đáp trả Iran nhưng quyết định được rút lại vào phút chót, hãng CNN nhắc lại.
Một căn cứ của lực lượng Kata'ib Hezbollah bị lực lượng Mỹ tấn công ngày 29-12-2019. Ảnh: REUTERS
Nhưng lần này, cái chết của nhà thầu quân sự của Mỹ ở căn cứ K1 thuộc tỉnh Kirkuk (Iraq) sau vụ tấn công của nhóm dân quân Kata'ib Hezbollah (được Tehran hậu thuẫn) chính là nguyên nhân then chốt cho quyết định cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng.
Ngày 29-12-2019, Mỹ không kích vào năm căn cứ của lực lượng Kata'ib Hezbollah, tiêu diệt 25 tay súng.
"Nếu không có người Mỹ nào thiệt mạng, tôi không nghĩ rằng sẽ có điều gì đó xảy ra" - một cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ nói với phóng viên CNN.
Nhưng vụ không kích trở thành nguồn cơn cho cuộc biểu tình, tấn công và đốt phá ở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad. Một quan chức dưới quyền Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington lo ngại rằng người biểu tình lần này ở Iraq cũng "muốn bắt giữ con tin".
Nguồn tin quan chức ngoại giao Mỹ nhấn mạnh với CNN rằng Mỹ lo ngại sẽ tái diễn cuộc biểu tình ở Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi (năm 2012) làm bốn công dân Mỹ thiệt hay vụ bắt cóc 52 con tin Mỹ trong Đại sứ quán Mỹ tại Tehran (năm1979).
Tất cả đã thúc đẩy Tổng thống Trump lựa chọn phương án cực đoan nhất là tiêu diệt tướng Soleimani - người được cho là đứng đằng sau những diễn biến nguy hiểm này.
Phản ứng của Iran và thảm kịch PS-752
Rạng sáng 8-1, Iran đã tiến hành hai đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào các lực lượng Mỹ ở căn cứ không quân Ayn al-Asad ở miền Tây và ở căn cứ Erbil ở miền Bắc Iraq. Washington xác nhận thông tin này và cho biết không có thương vong đối với binh lính Mỹ.
Một tên lửa đạn đạo của Iran tấn công vào căn cứ không quân Ayn al-Asad của Mỹ ở Iraq. Ảnh: AFP
Trước đó, các lãnh đạo hàng đầu ở Tehran, bao gồm cả lãnh tụ tối cao - Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani đã khẳng định sẽ có hành động "trả đũa mạnh mẽ" những kẻ gây ra cái chết của tướng Soleimani.
IRGC còn thề sẽ chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Trung Đông, tuyên bố có thể nhắm tới hàng chục căn cứ của Mỹ ở Trung Đông và đe dọa trực tiếp đến Israel - đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông.
Trong không khí căng thẳng bao trùm ở Iran, quân đội nước này đã mắc phải một "sai lầm không thể tha thứ được". Các tên lửa phòng không đã được khai hỏa để ngăn chặn một vật thể bay "có đường bay và tầm bay giống một mục tiêu kẻ thù".
Vụ bắn nhầm khiến toàn bộ 176 người trên chiếc máy bay chở khách của Ukraine thiệt mạng. Nạn nhân được xác định là công dân của Iran và sáu quốc gia khác, trong đó có các nước đồng minh của Mỹ như Canada, Anh, Đức…
Hiện trường vụ tai nạn máy bay của Ukraine khiến 167 hành khách thiệt mạng hôm 8-1 ở Tehran. Ảnh: ANADOLU
Ngày 9-1, Iran công bố báo cáo ban đầu, nhận định máy bay rơi sau khi bốc cháy do lỗi kỹ thuật. Nhưng đến ngày 11-1, Ngoại trưởng Iran xác nhận chiếc máy bay bị tên lửa Iran vô tình bắn rơi và cáo buộc "chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ" là một phần nguyên nhân của thảm kịch này.
Đạo diễn phía sau vụ tấn công hạ sát tướng Soleimani
Dù Lầu Năm Góc tuyên bố thực hiện vụ tấn công hôm 3-1 theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, một quan chức Washington nói với CNN rằng chính Ngoại trưởng Pompeo mới là người có tiếng nói quan trọng khi ông đề xuất và thuyết phục tổng thống thực hiện hành động quân sự.
CNN cho biết từ năm 2016 khi còn là một thành viên Hạ viện, ông Pompeo đã muốn "đối đầu trực tiếp với tướng Soleimani" trên chính lãnh thổ Iran. Ông Pompeo từng cố gắng xin thị thực sang Iran với danh nghĩa là giám sát cuộc bầu cử lập pháp của Tehran nhưng không thành công.
Những năm gần đây, ông Pompeo trở thành "kiến trúc sư" cho các hành động quân sự của Mỹ ở Iraq và Syria. Ông quyết tâm "sẽ không rút khỏi các công việc phục vụ nhân dân cho đến khi tướng Soleimani bị loại khỏi cuộc chiến" - nguồn tin của CNN cho biết.
Lần này, ông Pompeo đã thành công khi thuyết phục được Tổng thống Trump lựa chọn một động thái cứng rắn để ngăn chặn âm mưu tấn công vào bốn Đại sứ quán của Mỹ - theo như Tổng thống Trump trả lời phóng viên Fox News hôm 10-1.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper (trái) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley (phải). Ảnh: WHITE HOUSE
Một cựu quan chức Mỹ so sánh ông Pompeo giống như đang cùng lúc ở ba vị trí: Ngoại trưởng, bộ trưởng Quốc phòng và giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Và trên thực tế, ông Pompeo luôn cố gắng xây dựng "mối quan hệ thật gần gũi" với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và Giám đốc CIA Gina Haspel.
"Họ liên hệ làm việc với nhau rất, rất chặt" - cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ nói với CNN.
Nguồn tin này còn mô tả một trong các công thức để Tổng thống Trump ra quyết định là "Pompeo-Esper-Milley". Trong trường hợp này, quyết định tiêu diệt tướng Soleimani đã nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley.
Công thức này khiến các chuyên gia và quan chức Washington lo ngại về chính sách tiếp theo của ông Trump. Ông Randa Slim, chuyên gia của Viện Trung Đông - một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Mỹ, nhận định nước Mỹ "đang không có ai có đủ kinh nghiệm và có thể đối diện trực tiếp với ông Trump, một người được ông tôn trọng và có thể khuyên ông: Chờ đã!".