Hôm 8-7, các quan chức Iran xác nhận quốc gia này đã cố tình vi phạm giới hạn về kho dự trữ uranium được làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) năm 2015.
Bên cạnh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5 năm ngoái, sự kiện này đã làm dấy lên lo ngại rằng Iran đang "nghiêm túc" với việc chế tạo vũ khí hạt nhân, theo báo Anh Express.
Về mặt kỹ thuật, Iran có chế tạo được vũ khí hạt nhân trong vòng vài tháng tới nếu không đạt được một thỏa thuận với các cường quốc trên thế giới. Việc này khiến Washington phải cảnh giác cao độ.
Thỏa thuận hạt nhân đã giới hạn Iran ở mức 300 kg uranium có mức làm giàu thấp - 3,67%.
Mức uranium này đủ để Tehran sử dụng vật liệu này để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân và sử dụng uranium cho mục đích hòa bình, tờ Express cho biết.
Iran đã phá vỡ cả hai điều kiện vào đầu tháng này, chỉ hơn một năm sau khi ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA.
Ảnh: Express
Để chế tạo một quả bom hạt nhân, Iran chỉ cần sở hữu 1.050 kg uranium có mức làm giàu thấp để làm lõi, theo chuyên gia về hạt nhân Joe Cirincione.
Sau đó, lượng uranium sẽ cần phải được làm giàu đến 90 %, điều này sẽ làm giảm lượng dự trữ xuống còn 25 kg.
Ở cấp độ kỹ thuật, phần lớn công việc khó khăn đã được thực hiện, bởi vì các nỗ lực để đạt được mức làm giàu 4 % đã chiếm một nửa công việc cần làm để đạt được mức 90 %.
Một khi uranium được làm giàu tới 20 %, điều mà Tehran đã từng thực hiện, chỉ còn 10 % việc cần làm.
Chuyên gia về việc hạn chế vũ khí hạt nhân Anne Harrington cho biết: “Khởi đầu thực sự khó khăn vì bạn có rất, rất ít đồng vị uranium mà bạn muốn”.
“Gần như tất cả uranium tự nhiên là đồng vị U-238 và việc tách ra một chút đồng vị U-235 ở thời điểm ban đầu thực sự khó khăn. Tuy nhiên, càng tinh chế được nhiều U-235, quá trình sàng lọc sẽ càng xảy ra nhanh hơn”, bà Harrington nói thêm.
Giám đốc Hiệp hội kiểm soát vũ khí Kelsey Davenport cho biết, sẽ mất chưa đến một năm để Iran đạt được cái gọi là “điểm đột phá”, thời điểm họ có đủ uranium được làm giàu để chế tạo bom.
Sau đó, việc cần làm đơn giản chỉ là chuyển đổi khí uranium thành kim loại, lắp nó với một khối thuốc nổ và gắn vào một tên lửa đạn đạo.
Quá trình này có thể tăng tốc nếu Iran mở khóa 20.000 máy ly tâm vốn được sử dụng để làm giàu uranium, nhưng hai phần ba số lượng này hiện đang được cất trong kho theo thỏa thuận hạt nhân.
Iran cũng bị buộc phải vận chuyển 98 % trong số 11,560 kg uranium dự trữ ra khỏi quốc gia như một phần của thỏa thuận năm 2015.
Các nhà khoa học Iran thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu về vũ khí hạt nhân vào đầu thế kỷ, nhưng sau đó đã hạn chế việc nghiên cứu của họ, theo Liên Hiệp Quốc.
Cho dù Iran có thể nhanh chóng sở hữu vũ khí hạt nhân đến đâu đi nữa, các bên vẫn chưa đồng thuận rằng Iran có ý định làm điều đó.
Các chuyên gia như bà Davenport cảm thấy việc Iran vi phạm thỏa thuận như lời cảnh báo tới các quốc gia khác, thay vì là báo hiệu cho việc Iran mong muốn chế tạo bom hạt nhân.
Bà cũng nói thêm: “Đây không phải hành động vội vàng đạt được bom hạt nhân. Đây là một động thái được tính toán để đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với châu Âu, Nga và Trung Quốc về loại bỏ lệnh trừng phạt”.
Iran đã duy trì quan điểm rằng quốc gia này sẽ không bao giờ chế tạo vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã nói: “Vì quan điểm tôn giáo của chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ theo đuổi vũ khí hạt nhân”.