Mỹ gián tiếp buộc UAE chọn tiêm kích F-35 hoặc 5G của Trung Quốc

Mỹ đang gián tiếp gây sức ép lên Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) buộc nước này từ bỏ việc tích hợp viễn thông với gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc. Nếu không, UAE có nguy cơ mất hợp đồng tiêm kích tàng hình hiện đại F-35, theo các báo cáo.

Động thái này tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho UAE – đồng minh truyền thống của phương Tây và là đối tác kinh tế quan trọng của Trung Quốc.

Tiêm kích tàng hình F-35. Ảnh: The EurAsian Times

UAE trở thành quốc gia vùng Vịnh đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel theo Hiệp định Abraham do Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump làm cầu nối. Đổi lại, UAE đạt được thỏa thuận mua tiêm kích F-35 với chính quyền Tổng thống Trump.

Thỏa thuận mua 50 tiêm kích F-35 và máy bay không người lái MQ-9B Reaper trị giá 23 tỉ USD được ký trước khi ông Trump rời nhiệm sở hồi tháng 1. Theo kế hoạch, số tiêm kích này sẽ được bàn giao cho UAE trong năm 2026-2027.

Lo ngại của Mỹ

Việc Mỹ không chấp thuận chuyện UAE hợp tác với Huawei không còn mới, theo hãng tin Bloomberg. Trong thời gian Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Washington đã thúc đẩy UAE xem xét một giải pháp thay thế Huawei, trước khi niêm phong thỏa thuận và tránh xa việc làm leo thang mối quan hệ kinh tế và an ninh với Trung Quốc.

Tuy nhiên, UAE vẫn tiếp tục hợp tác với Huawei để triển khai mạng 5G tại nước này nhằm có được lợi thế về công nghệ trong khu vực.

Theo những báo cáo gần đây, Washington đặt ra cho UAE thời hạn bốn năm trước thời điểm giao vũ khí quân sự để nước này đảo ngược việc hợp tác với Huawei trong xây dựng mạng lưới viễn thông.

Các quan chức UAE tỏ ra không hài lòng vì cho rằng khoảng thời gian trên là quá ngắn và yêu cầu Mỹ cho họ thêm thời gian để tìm kiếm giải pháp thay thế khả thi và phải chăng.

Anh trước đó đã từ bỏ Huawei trong dự án triển khai mạng 5G. Anh cho các nhà viễn thông nước này hạn chót tới năm 2027 để tìm nhà cung cấp thay thế.

Tiếp nối chính sách của người tiền nhiệm Trump, Tổng thống Joe Biden coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức trực tiếp cho trật tự quốc tế tự do và dân chủ. Mỹ lo ngại viễn cảnh Trung Quốc và Nga – hai nước có mối quan hệ mật thiết với UAE có thể tiếp cận công nghệ quân sự của họ thông qua hoạt động hợp tác với UAE.

Washington từng cáo buộc Huawei do thám và thu thập thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc.

Quan hệ UAE-Mỹ 

Là đồng minh truyền thống của phương Tây, UAE là một người chơi chiến lược và quan trọng trong khu vực. UAE là một trong những đồng minh Ả Rập mạnh mẽ nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với phương Tây.

Tại UAE, Mỹ có hai căn cứ quân sự là căn cứ không quân Al Dhafra gần Abu Dhabi và căn cứ hải quân Fujairah nhìn ra eo biển Hormuz quan trọng.

Dù vậy, dưới thời chính quyền ông Biden với chính sách đối ngoại rõ ràng, một số xích mích đã xuất hiện. UAE tỏ ra dè dặt trước sự kiên trì của ông Biden trong việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran.

UAE xem Iran là một trong những mối đe dọa lớn nhất trong khu vực và nước này thận trọng trước sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran. Sự ủng hộ của Abu Dhabi dành cho chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể trở thành một vấn đề đối đầu với phương Tây vốn ủng hộ các lực lượng chống ông Assad.

UAE và Trung Quốc xích lại gần hơn

UAE đang hướng tới việc đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ và muốn xây dựng các thành phố công nghệ cao thế hệ kế tiếp. Để đạt được mục tiêu, UAE đang ngày càng siết chặt quan hệ với Trung Quốc.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng UAE. Ảnh: TWITTER

UAE bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Sinopharm của Trung Quốc, ngay cả trước khi loại vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.  

Trong chuyến thăm UAE của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hội tháng 3, hai bên đã nhất trí thành lập đơn vị sản xuất vaccine Sinopharm tại khu công nghiệp Khalifa của Abu Dhabi.

Thương mại song phương UAE-Trung Quốc đạt mốc 50 tỉ USD năm 2020 và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của UAE. Dự án triển khai mạng 5G của Huawei là một yếu tố quan trọng của sự kiện Triển lãm thế giới (World Expo) của Dubai dự kiến diễn ra vào tháng 10-2021.

UAE còn là một mắt xích của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, theo đó cảng Jebel Ali đang được phát triển để vận chuyển các sản phẩm của Trung Quốc.

Khi hay tin về các áp lực chính trị từ phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi chia sẻ quan điểm rằng sự hợp tác giữa Trung Quốc và UAE phục vụ lợi ích chung của hai bên và sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba”.

Dấu chân ngày càng tăng của Trung Quốc tại Trung Đông

Với sự thay đổi dễ nhận thấy trong chính sách của Mỹ từ Trung Đông sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang tìm cách lấp khoảng trống tại Trung Đông thông qua những khoản đầu tư và quan hệ đối tác kinh tế nặng ký của mình.

Huawei được bổ nhiệm làm đồng chủ tịch của nhóm công tác bảo mật 5G của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), dấy lên đồn đoán các quốc gia Ả Rập khác cũng hợp tác với tập đoàn viễn thông này. Saudi Arabia và UAE, hai quốc gia nổi tiếng trong khu vực đang tham gia với Huawei về việc triển khai mạng 5G và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số và an ninh mạng cho các thành phố thông minh.

Ngoài UAE, sáu quốc gia Trung Đông khác cũng phê duyệt vaccine COVID-19 Sinopharm của Trung Quốc. Đó là Bahrain, Ai Cập, Iran, Iraq, Jordan và Lebanon.

Có lẽ chiến thắng ngoại giao lớn nhất của Trung Quốc cho tới thời điểm hiện nay là sự im lặng của thế giới Ả Rập đối với những cáo buộc nhân quyền với cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu vực tự trị Tân Cương của Trung Quốc. Trong khi đó, vấn đề này tiếp tục bị phương Tây chỉ trích nặng nề.

Nếu thỏa thuận vũ khí với Mỹ diễn ra đúng tiến độ, UAE sẽ trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên nắm giữ vũ khí tàng hình, tăng cường triển vọng và sức mạnh khu vực gấp bội lần. Tuy nhiên, nếu Abu Dhabi bị buộc phải chọn lựa thì vẫn còn phải xem liệu thỏa thuận vũ khí của phía Mỹ có đủ để UAE quay lưng với sự hỗ trợ công nghệ của Trung Quốc hay không.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK

Vấn đề nợ trần đang chia rẽ người Mỹ như thế nào?

(PLO)- Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vào cuối tháng này nếu mức trần nợ không được nâng lên, nợ trần hiện là vấn đề không chỉ gây chia rẽ giới cầm quyền ở Washington mà còn chia rẽ người dân Mỹ.