Trong một bài viết đăng trên tạp chí Forbes, GS Panos Mourdoukoutas thuộc ĐH LIU Post (Mỹ), lưu ý chuyến đi của ông Duterte diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh có các hành động vi phạm chủ quyền của các nước trong khu vực với ý đồ biến biển của nước khác thành của mình.
Chỉ trong hai tháng 7 và tháng 8-2019, tàu chiến của Trung Quốc đã nhiều lần xuất hiện ở vùng biển phía nam Philippines, đẩy qua hệ hai nước vào giai đoạn căng thẳng mới.
Thông tin từ chính quyền Manila tiết lộ ít nhất năm trường hợp tàu quân sự Trung Quốc đi vào khu vực eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi của Philippines mà không xin phép.
"Chúng tôi bày tỏ lo ngại về vụ việc như vậy. Vì nếu họ (Trung Quốc) nói rằng chúng tôi là bạn, tôi không nghĩ đây là hành động của bạn bè. Điều này vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 bởi những con tàu đã đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng tôi. Tôi chắc chắn là bộ trưởng Ngoại giao (Philippines) sẽ có hành động về việc này" - tờ Inquirer ngày 16-8 dẫn lời ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, cho biết.
Trong khi đó, người phát ngôn Edgard Arevalo của Các lực lượng vũ trang Philippines cho rằng động thái của các tàu Trung Quốc có thể được coi là xâm phạm và đe dọa đến an ninh quốc gia bởi những tàu này có thể đang giám sát hàng hải và thực hiện các hoạt động khác, theo báo Philippines Star.
Trang tin Rappler cho biết eo biển Sibutu nằm giữa đảo chính của tỉnh Tawi-Tawi và đảo Sibutu và là một phần của tỉnh Tawi-Tawi. Mặc dù nằm một phần trong lãnh hải Philippines, eo biển này được xem là làn biển quốc tế vì đây là tuyến đường có thể di chuyển duy nhất nối giữa biển Sulu và biển Sulawesi. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc khi đi qua đây đều tắt thiết bị định vị radar, một hành động mà quân đội Philippines lên án là "một trò lừa dối".
Theo Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, Trung Quốc dường như muốn "chế nhạo" Manila khi đưa tàu qua lãnh hải của Philippines nhưng lại tắt hệ thống nhận diện tự động và cũng không thông báo trước. Người đứng đầu ngành ngoại giao của chính quyền Manila cho biết thêm có thể dễ dàng xác định đây là các tàu chiến (của Trung Quốc) thông qua các vũ khí trang bị trên tàu.
Với tất cả những diễn biến trên, GS Panos Mourdoukoutas nhận định chiến lược hòa giải với Bắc Kinh của ông Duterte đã thất bại và ông chủ điện Malacañang giờ đây cần phải đề ra một đối sách khác phù hợp hơn.
Việt Nam cương quyết trước Trung Quốc
Chuyên gia này cho rằng Việt Nam và Malaysia là hai quốc gia điển hình với chính sách ngoại giao biển Đông hiệu quả đáng để tổng thống Philippines tham khảo và cân nhắc. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nước này và Philippines nằm ở việc Malaysia, Việt Nam sẵn sàng và cương quyết đấu tranh chống lại các hành động vi phạm pháp luật của Bắc Kinh trên thực địa.
Tàu hải giám Philippines tập trận cùng tàu cảnh sát biển Mỹ trên biển Đông hồi tháng 5-2019. Ảnh: AP
Đánh giá về Việt Nam, GS Panos Mourdoukoutas cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có một cách tiếp cận vấn đề tranh chấp "dũng cảm và thông minh".
"Dũng cảm, trước hết là Hà Nội đã thúc đẩy thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử trên biển (COC) mà nếu thành công, sẽ cấm tất cả động thái gây hấn mà Trung Quốc đang tiến hành ở biển Đông như bồi đắp và cải tạo các thực thể nhân tạo hay triển khai các hệ thống vũ khí tấn công như tên lửa. Một hành động dũng cảm khác của Việt Nam là nước này sẵn sàng điều các lực lượng chức năng ngăn Trung Quốc xâm phạm vùng biển" - ông Mourdoukoutas nhận xét.
GS Panos Mourdoukoutas nói thêm chiến lược của Việt Nam đã phát huy hiệu quả khi nhóm tàu địa chất Hải dương 8 phải rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam vào chiều 7-8. Dù sau đó tàu này đã quay lại vào hôm 13-8, theo Bộ Ngoại giao.
Malaysia cứng rắn với Trung Quốc
Trong khi đó, chính quyền Kuala Lumpur đã mở một đợt xem xét lại tất cả dự án Trung Quốc đội vốn và trong tháng 7, đã tiến hành tịch thu gần 243,25 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của China Oil Pipeline Engineering Ltd (CPP), công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Trung Quốc. Nguyên nhân là do Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ra lệnh đình chỉ hai dự án thi công đường ống dẫn dầu của công ty này được chính quyền tiền nhiệm ký kết với Bắc Kinh mà ông nhận xét là "thiếu công bằng".
Một dự án hạ tầng khác có yếu tố Trung Quốc là dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối hai bờ biển Đông-Tây Malaysia. Tháng 4-2019, Kuala Lumpur tuyên bố đã đàm phán thành công với Trung Quốc nhằm cắt khoảng 1/3 chi phí xây dựng do dự án đội vốn quá cao, lên đến 16 tỉ USD.
Trên biển Đông, hôm 15-7, Hải quân Hoàng gia Malaysia đã tiến hành hai cuộc tập trận quy mô lớn là Kerismas và Taming Sari gần khu vực bãi cạn Luconia đang xảy ra mâu thuẫn với Trung Quốc. Trong đó, nước này diễn tập bắn thử nhiều tên lửa đối hạm. Tờ South China Morning Post cho biết suốt từ ngày 10 đến 27-5, tàu Hải cảnh 35111 của Trung Quốc liên tục di chuyển xung quanh bãi cạn Luconia, nơi có một lô dầu khí được Malaysia cấp phép cho Công ty Dầu khí Sarawak Shell.
Hậu quả khi hòa hoãn không đúng chỗ với Bắc Kinh
Theo nhận định của GS Panos Mourdoukoutas, dựa trên các phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, người đứng đầu Manila nhiều khả năng hy vọng một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh sẽ mang lại hòa bình và có lợi trên bàn đàm phán biển Đông. Bên cạnh đó, ông Duterte cũng kỳ vọng đầu tư của Bắc Kinh vào nước này sẽ đem lại lợi ích kinh tế cũng như tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân.
Tuy nhiên, trong năm 2019, Bắc Kinh vẫn nhiều lần điều lực lượng quân sự vây đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Philippines chiếm đóng trái phép). Ngày 9-6, tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines bị một tàu được cho là của dân quân biển Trung Quốc đâm chìm gần Bãi Cỏ Rong, đẩy hai nước vào giai đoạn căng thẳng mới.
Bên cạnh đó, dù đúng là đầu tư Trung Quốc vào Philippines có tăng lên nhưng những chỉ có công nhân Trung Quốc hưởng lợi từ các cơ hội và việc làm mới xuất hiện chứ không phải người Philippines. Các nguồn đầu tư này cũng tiềm ẩn nguy cơ sẽ siết chặt Philipppines vào "bẫy nợ" như trường hợp của Sri Lanka. Cụ thể, Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê 99 năm một cảng chiến lược và đã trở thành một con nợ chịu sự chi phối của Bắc Kinh sau khi nhận của nước này khoản vay 1.4 tỉ USD.