Tên lửa Đài Loan muốn mua của Mỹ có thể vươn tới Trung Quốc

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn nhận định của các chuyên gia quân sự cho hay thương vụ vũ khí mới nhất của Mỹ nhằm giúp Đài Loan có thể chống lại hỏa lực ngày càng hiện đại của Trung Quốc.

Tiêm kích F-16V của Đài Loan. Ảnh: TAIWAN NEWS

Hôm 21-10, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo phê duyệt thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan với tổng giá trị 1,8 tỉ USD. Sau khi nhận thông báo từ Bộ Ngoại giao, Quốc hội Mỹ có thời hạn 30 ngày để phủ quyết hoặc phê duyệt. Đây là gói vũ khí thứ tám mà chính phủ Tổng thống Donald Trump phê duyệt cho Đài Loan.

“Bước đột phá cho Đài Loan”

Gói vũ khí 1,8 tỉ USD nói trên gồm 135 tên lửa hành trình AGM-84H có tầm tấn công hơn 270 km, 11 bệ phóng tên lửa trên xe tải M142 cùng với 64 tên lửa chiến thuật có thể đánh trúng mục tiêu cách 300 km. Ngoài ra, thỏa thuận còn có sáu hệ thống cảm biến bên ngoài MS-110 hứa hẹn sẽ tăng cường đáng kể khả năng giám sát trên không của Đài Loan.

“Đây là bước đột phá trong các thương vụ vũ khí của Mỹ đối với Đài Loan” – ông Mei Fu-hsing, giám đốc Trung tâm Phân tích An ninh Đài Loan, một viện nghiên cứu tư nhân ở New York (Mỹ) nhận định. Ông nói như vậy nhằm so sánh với việc Mỹ từ bỏ chính sách truyền thống chỉ bán vũ khí phòng thủ cho Đài Loan.

Binh sĩ Mỹ khai hỏa Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) tại một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Romania năm 2017. Ảnh: DEFENSE NEWS

“Nhiều người ở Đài Loan có thể thấy trong thỏa thuận vũ khí của Mỹ có Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) cùng với Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) – tên lửa có đầu đạn nặng 227 kg và có tầm bắn 300 km, khá ấn tượng” – ông Mei nói.

Theo ông, một điểm nổi bật khác trong thỏa thuận là tên lửa hành trình AGM-84H. Tên lửa này không chỉ có tầm bắn tương đối xa mà còn có thể tấn công chính xác các mục tiêu đất liền và trên biển.

 “Chủ yếu để răn đe”

Ông Alexander Huang Chieh-cheng, giáo sư về nghiên cứu quốc tế và quan hệ chiến lược tại ĐH Tamkang (Đài Loan) nói rằng Đài Loan sẽ là đối tác an ninh đầu tiên của Mỹ trang bị tên lửa hành trình AGM-84H cho tiêm kích F-16V.

Ông Huang cho hay ba hệ thống vũ khí này là những hệ thống “tấn công” quan trọng đầu tiên mà Mỹ cung cấp cho Đài Loan kể từ khi Washington cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và ủng hộ Bắc Kinh năm 1979.

Tên lửa hành trình AGM-84H. Ảnh: DEFENCETALK

Ông Huang nói thêm: “Những hệ thống này có thể khai hỏa tới các mục tiêu dọc bờ biển Trung Quốc và có thể thực hiện các nhiệm vụ phản công. Tuy nhiên, với số lượng hạn chế cùng các yêu cầu nhắm mục tiêu phức tạp, những hệ thống này chủ yếu mang tính răn đe”.

Ông Huang cho hay cả hai tên lửa trên có thể vươn tới các khu vực ven biển của Trung Quốc đại lục.

“Chúng có thể được phóng từ Đài Loan vươn tới các khu vực ven biển của Trung Quốc đại lục”- ông Huang nói. Chuyên gia này thêm rằng bất luận những vũ khí này có thể tấn công hay không thì việc sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc buộc Đài Loan phải luôn trong thế phòng thủ.

Ông Huang đánh giá việc Mỹ cung cấp những vũ khí như vậy cho Đài Loan là một cách đáp trả rõ ràng đối với quân đội Trung Quốc.

“Quân đội Trung Quốc được cho sẽ tăng cường khả năng đổ bộ từ năm 2025 đến năm 2035, vốn sẽ đe dọa Đài Loan. Bằng việc cung cấp những vũ khí này, họ (Mỹ) có thể giúp Đài Loan tăng cường khả năng tấn công các mục tiêu di động trong các cuộc tấn công đổ bộ của quân đội Trung Quốc” – ông Huang nói.

Lo ngại ngày càng tăng của Mỹ

Theo ông Huang, những thỏa thuận vũ khí này cho thấy lo ngại ngày càng tăng của Mỹ về sự mất cân bằng quân sự ở eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Zhou Chenming cho rằng những vũ khí được nhắc tới trên về cơ bản sẽ không thay đổi cán cân sức mạnh mặc dù chúng có thể khiến việc hòa giải giữa Trung Quốc và Đài Loan trở thành điều xa vời hơn.

Hôm 22-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích Washington vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” và ba thông cáo chung tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

 “Điều này không chỉ gây tổn hại hoàn toàn tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc mà còn phát đi tín hiệu sai lầm cho những người đòi ly khai ở Đài Loan. Trung Quốc kiên quyết phản đối” – ông Triệu nhấn mạnh.

Người đứng đầu Cơ quan phòng vệ Đài Loan Yen De-fa nói rằng vùng lãnh thổ này không có ý định khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc.

Ông Ji Ye, Phó Giáo sư chuyên về nghiên cứu về Đài Loan tại ĐH Hạ Môn (Trung Quốc) nhận định chính phủ Trung Quốc sẽ coi Mỹ là trở ngại lớn nhất trong việc thống nhất Đài Loan.

 “Chính sách Đài Loan trong tương lai của Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn trước đó” – ông Ji nêu ý kiến. Ông nói thêm những thỏa thuận vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan sẽ thúc đẩy nhiều người ủng hộ các biện pháp quân sự để chiếm hòn đảo này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm