Úc đang ở đâu giữa biển Đông 'dậy sóng'?

Thời gian vừa qua, biển Đông liên tục bị đặt trong tình trạng căng thẳng khi Trung Quốc (TQ) liên tiếp có những hành vi gây hấn, làm cản trở các hoạt động hợp pháp của các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng mới đây, nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 đã quay lại vùng biển của Việt Nam gần khu vực bãi Tư Chính vào ngày 13-8, sau khi được xác nhận đã rời đi vào hôm 7-8.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng cáo buộc sự xuất hiện trở lại của tàu TQ hoàn toàn xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam đồng thời yêu cầu TQ rút toàn bộ tàu nói trên và tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như luật pháp quốc tế.

Sự im lặng bất thường của Úc

Tuy vậy, trước các động thái leo thang của Bắc Kinh, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Lục Anh Tuấn thuộc Trường ĐH New South Wales (Úc) trong một bài viết cho tạp chí The Diplomat đã đặt dấu chấm hỏi về sự im lặng khó hiểu gần đây của Canberra và truyền thông nước này khi không đưa ra bất kỳ phản ứng chính thức đáng kể nào phản đối TQ.

Gần đây nhất, phát ngôn của Úc về biển Đông chỉ xuất hiện trong Hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Úc (AUSMIN) ngày 4-8 tại Sydney. Đại diện hai nước khi đó bày tỏ sự lo ngại về động thái quân sự hóa các thực thể nhân tạo trong khu vực cũng như các hành động cưỡng ép đơn phương.

Trước đó, trong tuyên bố chung ngày 2-8 tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52, ngoại trưởng Mỹ, Nhật Bản và Úc cùng lên tiếng chỉ trích hành động cản trở việc khai thác dầu khí của các nước ở biển Đông và quan ngại về những diễn biến tiêu cực trong khu vực. Ông Lục Anh Tuấn lưu ý rằng trong cả hai lần, Úc lẫn các nước lên tiếng đều không chỉ đích danh TQ là bên đã cố tình gia tăng xung đột ở biển Đông.  

Mặt khác, một số ý kiến kêu gọi đánh giá lại chính sách ngoại giao của Úc về vấn đề TQ cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đơn cử như bài xã luận với tiêu đề Chúng ta cần phải có cái nhìn thẳng thắn về TQ, cả lợi ích và rủi ro của Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội Úc Andrew Hastie viết cho tờ The Sydney Morning Herald ngày 8-8. Bài viết của ông sau đó bị Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham chỉ trích không phù hợp với lợi ích quốc gia.

Lập trường của Canberra về biển Đông

Từ 10 năm trở lại đây, Canberra đã bắt đầu chú ý đến tình hình an ninh ở biển Đông. Dù nhiều lần khẳng định sẽ không đứng về phía nào trong các vụ tranh chấp chủ quyền, Canberra vẫn âm thầm có những hành động bày tỏ sự phản đối yêu sách đường chín đoạn phi pháp của Bắc Kinh.

Trong Sách Trắng ngoại giao 2017 của Úc, Canberra nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khẳng định lợi ích của Úc gắn liền với một biển Đông hòa bình, ổn định dựa trên luật pháp quốc tế. Nước này kêu gọi các bên tranh chấp tuân thủ UNCLOS và tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.

Hải quân Hoàng gia Úc cũng nhiều lần thực hiện tuần tra bảo đảm tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực. Gần đây nhất là sự xuất hiện của tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra và hộ vệ hạm tên lửa HMAS Newcastle ở biển Đông vào tháng 5 trong nhiệm vụ Indo-Pacific Endeavour năm 2019.

Đi tìm lời giải đáp

Ông Lục Anh Tuấn cho rằng để giải thích cho động thái im lặng bất thường của chính quyền Canberra, cần phải lưu ý vào hai đặc điểm trong chính sách ngoại giao của nước này trong nhiều thập niên qua: (i) Úc luôn dựa vào sức mạnh quân sự và sự hiện diện chủ động của Mỹ trong khu vực (ii) TQ gia tăng ảnh hưởng lên Úc trong vai trò là đối tác thương mại quan trọng của nước này.

“Năm 2007, TQ soán ngôi Nhật Bản, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Úc và giữ vững vị trí đó cho đến nay. Năm 2009, TQ tiếp tục vươn lên dẫn đầu các thị trường xuất khẩu lớn của Úc. Kim ngạch thương mại trong năm 2017 giữa hai nước ước tính đạt 183,4 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Úc sang TQ là 116 tỉ USD (...) Với những thành quả khổng lồ thu được từ việc hợp tác với Bắc Kinh như vậy, việc Canberra tìm cách tránh làm phật lòng đối tác của mình cũng là một điều dễ hiểu” - chuyên gia Lục Anh Tuấn cho biết.

Tuy vậy, ông Tuấn cảnh báo không phải chỉ vì chịu sức ép kinh tế TQ mà sự im lặng của Úc sẽ bớt đi tính nghiêm trọng. Ông dẫn lại lời nhận xét của nhà nghiên cứu Christopher Roberts thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ĐH Quốc gia Úc cho rằng phương Tây đã phản ứng “quá ít và quá trễ” trước sự trỗi dậy của TQ ở biển Đông trong 10 năm trở lại đây. Hậu quả cho sự chậm trễ này là những di chứng và tác hại “không thể đảo ngược”.

Trong trường hợp của Úc, GS danh dự về nghiên cứu chiến lược tại ĐH Quốc gia Úc Hugh White từng cảnh báo sự hiện diện ngày càng gia tăng của TQ ở Nam Thái Bình Dương sẽ có tác động tiêu cực đến phạm vi hoạt động của Úc và giới hạn tính tự chủ khi hoạch định chính sách ngoại giao của nước này. Bắc Kinh được cho là đang để mắt tới hai quốc gia Vanuatu và Tonga là nơi sẽ đặt các căn cứ hải quân Thái Bình Dương của nước này trong tương lai.

Đáng chú ý, hai nước trên chỉ cách bờ biển Úc khoảng 2.000 km. Nếu xây dựng thành công, vị thế quân sự của TQ sẽ được củng cố đáng kể nhờ vào một mạng lưới các căn cứ đặt rải rác khắp biển Đông và Ấn Độ Dương, đồng thời đặt quân đội Úc vào một tình thế hoàn toàn khó khăn.

Hôm 30-7, Ngoại trưởng Úc Maris Payne cho hay Mỹ đang có kế hoạch xây dựng thêm căn cứ quân sự ở quốc gia này. Tuy nhiên, bà Payne không hé lộ thêm chi tiết về kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở đây. Hồi tháng 6-2019, đài ABC từng đưa tin về một công trình được cho là cảng nước sâu sẽ được xây dựng ở Glyde Point, khu vực phía Bắc Úc. Cảng này khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận các tàu đổ bộ cỡ lớn của quân đội Mỹ và chỉ cách cảng chính của TP Darwin, hiện đang được một công ty TQ thuê với thời hạn 99 năm, khoảng 40 km. Darwin hiện cũng là nơi đóng quân của vài ngàn binh sĩ Mỹ cùng nhiều khí tài quân sự theo Hiệp định Bố trí lực lượng Mỹ - Úc (FPA) ký kết vào năm 2014.

Theo chuyên gia Lục Anh Tuấn, việc xây dựng cảng quân sự mới là kết quả của mối quan hệ hợp tác quân sự chiến lược giữa Canberra và Washington. Trong tương lai, có thể mối quan hệ này sẽ mở đường cho các oanh tạc cơ tầm xa B-1B và hệ thống tên lửa của Mỹ được điều động đến Darwin, dù cho đến nay vẫn chưa có xác nhận chính thức nào từ chính quyền Úc về thông tin này.

“Cuối cùng, mặc cho việc Canberra duy trì sự trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nước này càng im lặng sẽ càng khiến Bắc Kinh không nhận ra lập trường tuân thủ và ủng hộ luật pháp quốc tế của Úc. Một vai trò chủ động ở biển Đông sẽ là giải pháp tối ưu hơn cho Canberra” - nhà nghiên cứu Lục Anh Tuấn kết luận.

(*) Tựa do người dịch đặt lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm