Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania đã chấm dứt quan hệ đối tác với mạng lưới học thuật Khổng Tử toàn cầu. Cả hai trường này đều đưa ra quyết định sau khi đàm phán thất bại về các yêu cầu từ phía Học viện trong bản thỏa thuận đối tác.
Hiệu trưởng nhóm trường đại học Liberal Arts tại bang Pennsylvania, Susan Welch ca thán: “Nhiều mục tiêu của chúng tôi không khớp với những yêu cầu rập khuôn của Cơ quan của Hội đồng Quốc gia quảng bá hiểu biết Hán ngữ quốc tế (hay còn gọi là Trung tâm Hán Biện), vốn là cơ quan chủ quản của Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới”.
Sinh viên thực hành viết thư pháp tại Đại học Bang San Francisco hôm 27.9 (ảnh: Tân Hoa Xã)
Trước đó, hàng trăm cơ sở học thuật của Mỹ từng có thời lên tiếng chỉ trích quyết định của Đại học Chicago vì đã “kết thân” với Học viện này vào năm 2009, cho rằng trường đang “tiếp tay” cho quá trình “tẩy não” người Mỹ bằng các chương trình được những thành viên chủ chốt trong Đảng và chính quyền Trung Quốc quản lý và thiết kế.
Không những vậy, giới phân tích Mỹ còn suy đoán học viện phục vụ cho mục đích giáo dục chỉ là một phần. Nơi này còn rất lý tưởng cho việc theo dõi các nhất cử nhất động của du học sinh Trung Quốc tại phương Tây.
Học viện Khổng Tử đầu tiên chính thức mở cửa vào năm 2004 tại Seoul, Hàn Quốc. Nhờ các nỗ lực thúc đẩy, đến nay Học viện này xây dựng 457 cơ sở có mặt trên 122 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có 90 trung tâm đang hoạt động tại Mỹ. Cách đây 6 năm, nhiều người chế giễu rằng có khi mạng lưới Hán ngữ này có thể vượt xa hơn cả… nhãn hàng McDonald với số lượng 238 chi nhánh trên 69 quốc gia.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vừa qua cũng bác bỏ các cáo buộc có liên quan đến việc che giấu tình báo trong các trung tâm và khẳng định mạng lưới Khổng Tử đơn thuần chỉ phục vụ cho mục tiêu làm “cầu nối giữa Trung Quốc với thế giới nhằm làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau và tăng tình bạn hữu”.
Bà Hoa cũng nói rằng tất cả chi nhánh Học viện Khổng từ tại Mỹ được thành lập do các trường đại học “tự nguyện đăng ký” thông qua “đàm phán thân thiện”. Thế nên mạng lưới học thuật này không hề sử dụng bất kỳ lệnh áp đặt nào và vì vậy “không thể đe dọa đến nguyên trạng môi trường học thuật của các trường”.