Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc (TQ) vừa đệ đơn kiện chính phủ Mỹ liên quan đến lệnh cấm các sản phẩm của họ. Đây là động thái mới nhất của cuộc đấu dai dẳng giữa Washington và công ty TQ liên quan đến việc kiểm soát mạng di động thế hệ thứ năm (5G).
Trong một thông báo trực tuyến, tập đoàn của TQ nói: “Hôm nay (7-3), Huawei tuyên bố đã đệ đơn khiếu nại lên tòa án liên bang Mỹ nhằm thách thức tính hợp hiến của mục 889 trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2019 (NDAA). Thông qua hành động này, Huawei tìm kiếm một phán quyết tuyên bố rằng những hạn chế nhằm vào Huawei là vi hiến và một lệnh cấm vĩnh viễn các hạn chế này”.
Huawei muốn tiến ra thị trường thế giới
Theo tạp chí Forbes, xét về bề mặt, đơn kiện của Huawei cáo buộc NDAA của Mỹ ngăn chặn những tham vọng 5G của họ ở thị trường Mỹ. Huawei khẳng định “những hạn chế đối với Huawei sẽ kìm hãm cạnh tranh, khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm có chất lượng tồi hơn. Ước tính từ các nguồn tin trong ngành cho thấy việc cho phép Huawei cạnh tranh sẽ giúp giảm chi phí cho cơ sở hạ tầng không dây từ 15% đến 40%. Điều này sẽ giúp Bắc Mỹ tiết kiệm ít nhất 20 tỉ USD trong bốn năm tới”.
Nhưng mục tiêu vụ kiện của Huawei có vẻ không chỉ dừng ở đó. Huawei dường như đã xóa bỏ tham vọng tức thời của họ tại Mỹ và nhà sản xuất thiết bị TQ này sẽ khó có thể đóng vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng của Mỹ, bất kể kết quả của vụ kiện ra sao. Đó là chưa kể vụ kiện này được giới quan sát dự báo sẽ không được giải quyết một cách nhanh chóng. Vậy mục tiêu thực sự của Huawei là gì? Đó là tranh thủ tấn công Washington để chiếm ưu thế ở thị trường 5G toàn cầu. Bởi lẽ vụ kiện diễn ra trong bối cảnh các dự án triển khai 5G quy mô lớn đang được tiến hành khắp thế giới.
Ở phạm vi toàn cầu, Washington đang đe dọa những ông trùm công nghệ được xem là con cưng của Bắc Kinh, bao gồm Huawei. Điều này được thể hiện qua những nỗ lực vận động hành lang của các nhân vật cấp cao như Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Họ trực tiếp và gián tiếp yêu cầu các chính phủ nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu, cấm Huawei nếu muốn duy trì hợp tác an ninh với Washington.
Huawei cũng cần phải tách Mỹ ra khỏi nhóm chia sẻ thông tin tình báo gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand (còn gọi là Five Eyes), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh khác. Gã khổng lồ công nghệ của TQ có thể chấp nhận từ bỏ tham vọng ở thị trường Mỹ nhưng tại châu Âu, Trung Đông và châu Á thì không.
Đến nay, những lời lẽ ủng hộ quan điểm của Mỹ về Huawei từ các nước đang bắt đầu dịu xuống. Các quốc gia từng về phe Washington đang dao động và một số đồng minh lớn của Mỹ ở châu Âu như Anh và Đức dù thừa nhận phải cẩn trọng với Huawei nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng họ có thể giảm thiểu những rủi ro từ công ty này.
Tập đoàn Huawei đã tiến hành vụ kiện chống lại chính phủ Mỹ. Ảnh: AP
Mỹ tấn công Huawei để nhằm vào Bắc Kinh
Nếu như Huawei kiện chính phủ Mỹ để nhằm vào các thị trường 5G béo bở của thế giới thì Washington cũng không đơn thuần chỉ nhằm vào Huawei. Đạo luật NDAA do Tổng thống Trump ký vào cuối năm ngoái về chi tiêu quốc phòng có điều khoản cấm các cơ quan hành pháp Mỹ sử dụng sản phẩm của Huawei và cả ZTE, một tập đoàn công nghệ khác của TQ. Đối tượng thực sự mà ông Trump muốn điều chỉnh chính là chính phủ TQ. Washington thời ông Trump vẫn đang nhất quán quan điểm buộc Bắc Kinh phải sòng phẳng và công bằng trong cạnh tranh kinh tế.
Một trong những yêu cầu của phía Mỹ chính là TQ phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người Mỹ. Nói cách khác, Bắc Kinh phải chấm dứt hành vi cưỡng ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ khi làm ăn tại thị trường nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu. Sau những tranh cãi kéo dài cả năm qua khiến cuộc chiến tranh thương mại bùng nổ, TQ dường như đang xuống nước.
Tại kỳ họp thường niên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đang diễn ra, cơ quan lập pháp của TQ dự kiến bỏ phiếu cho dự thảo luật được mong đợi sẽ mang lại sự thay đổi cơ bản cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ. Động thái này được cho là có thể giúp giảm bớt căng thẳng thương mại hiện nay giữa TQ với Mỹ. Theo đó, dự thảo luật đầu tư nước ngoài sửa đổi sẽ loại bỏ yêu cầu bắt buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh TQ.
Nhìn vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay, có thể hình dung Huawei hay ZTE là những đối tượng ủy nhiệm xung đột hơn là những người chơi chính. Mỹ muốn nhằm vào Huawei để buộc TQ tuân thủ luật chơi chung, trong khi TQ muốn những tập đoàn công nghệ khổng lồ của mình tranh thủ sự chú ý của thế giới để quảng bá hình ảnh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng - không phải ở Mỹ mà là phần còn lại của thế giới.
Mỹ lo ngại Trung Quốc chỉ nói chứ không làm Ông Trương Nghiệp Toại, người phát ngôn của Quốc hội TQ, nhấn mạnh dự thảo luật đầu tư nước ngoài sửa đổi có nội dung “loại bỏ yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh TQ”. “Các lĩnh vực bị cấm và hạn chế đối với đầu tư nước ngoài sẽ được liệt kê rõ ràng và các lĩnh vực ngoài danh sách cấm sẽ được mở cửa hoàn toàn. Đầu tư của nước ngoài và của TQ sẽ được đối xử như nhau” - vị này nói. Tuy nhiên, chưa ai có thể khẳng định liệu TQ sẽ thực thi cam kết này hay không. Hãng thông tấn APdẫn lời Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng “tôi có thể chỉ ra nhiều ví dụ” để minh chứng cho việc Bắc Kinh ký kết các thỏa thuận mà “rất ít trường hợp họ thực hiện giao ước của mình”. Vụ kiện của Huawei cũng diễn ra chưa đầy một tuần sau khi bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của tập đoàn này, đang bị giam giữ tại Canada đệ đơn kiện chính quyền nước này. Tuần trước, Huawei không thừa nhận những lời buộc tội của Bộ Tư pháp Mỹ trước phiên xử bà Mạnh dự kiến diễn ra vào năm tới. |