Hoàng Chi Phong từ chối ký đơn thề trung thành với Hong Kong

Ngày 18-7, Hong Kong bắt đầu cho phép các ứng viên đăng ký tham gia cuộc bầu cử thành viên Hội đồng Lập pháp. Thời gian đăng ký ứng cử kéo dài đến ngày 31-7. Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp dự kiến được tổ chức vào ngày 6-9.

Một trong những điều kiện để được Ủy ban bầu cử chấp nhận tư cách ứng cử là ứng viên phải ký vào văn bản hứa trung thành với chính quyền Hong Kong và với Luật Cơ bản.

Không ký đồng nghĩa mất quyền ứng cử

Tối cùng ngày, Hoàng Chi Phong – người đang tính chạy đua vào một ghế trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong - nói sẽ không ký vào văn bản hứa trung thành với đặc khu và với Luật Cơ bản được xem như hiến pháp của đặc khu này, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Trên Facebook, Hoàng Chi Phong viết “tôi biết rất rõ Bắc Kinh có chấp nhận cho tôi chạy đua hay không không liên quan gì đến viêc tôi có ký văn bản (hứa trung thành) hay không”. Theo Hoàng Chi Phong, “ký hay không cũng sẽ không ảnh hưởng tới cơ hội tôi được chấp nhận tư cách ứng viên”, “chọn ký không có nghĩa ứng viên từ bỏ ý chí chống đối”.

Hoàng Chi Phong nói không có ý định ký vào văn bản hứa trung thành với Luật Cơ bản của Hong Kong. Ảnh: Xiaomei Chen/SCMP

Hoàng Chi Phong cho rằng văn bản hứa trung thành là một trong những công cụ Hong Kong sử dụng để loại bỏ ứng viên đồng thời cảnh báo các đảng đối lập khác không để công cụ này trở thành một cái bẫy chia sẻ sự đoàn kết và lòng tin giữa các đảng.

Sự từ chối này có thể sẽ khiến Hoàng Chi Phong bị loại khỏi danh sách tranh cử Hội đồng Lập pháp. Năm ngoái Hoàng Chi Phong cũng quyết định không ký văn bản hứa trung thành khi muốn đăng ký vào cuộc bầu cử địa phương tháng 11-2019, và đã bị loại khỏi danh sách.

Ký hay không ký?

Ngoài Hoàng Chi Phong còn có nhiều nhân vật đối lập khác.

Ngày 15-7, Chủ tịch đảng Dân chủ Wu Chi-wai và hai ứng viên khác từ đảng Quyền lực Nhân dân trở thành những nhân vật đầu tiên công khai nói sẽ không ký vào văn bản này, dù có được luật sư cảnh báo họ sẽ bị loại khỏi danh sách ứng cử thể theo luật an ninh quốc gia.

Trong danh sách 18 ứng viên đăng ký trong ngày đầu tiên có cả các nhân vật ủng hộ chính quyền lẫn đối lập và cả các ứng viên độc lập.

Theo SCMP, hiện trong lực lượng đối lập có sự chia rẽ về việc có ký văn bản hứa trung thành hay không. Văn bản này được chính quyền Hong Kong công bố lần đầu tiên bốn năm trước. Bên cạnh ý kiến cần thống nhất ý chí phản đối thì cũng có ý kiến nên ký để không bị loại khỏi danh sách tranh cử.

Trong số ứng viên chọn ký có ông Ventus Lau Wing-hong chạy đua với tư cách độc lập. Năm 2018, ông Lau từng bị cấm chạy đua vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong, nhưng tháng 9-2019 tòa án hủy quyết định này.

Phần lớn ứng viên khác chưa có quyết định rõ ràng vào tối 18-7.

Nhân dân nhật báo ngày 18-7 có bài viết cảnh báo nguy cơ bất ổn nếu các cá nhân như Hoàng Chi Phong được bầu vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong.

“Nếu các thủ phậm gây bất ổn xã hội này vào hay thậm chí kiểm soát Hội đồng Lập pháp, các cuộc biểu tình và bạo lực mà chúng ta đã nhìn thấy trên đường phố sẽ diễn ra ở Legco (Hội đồng Lập pháp) theo một hình thức khác, quy định luật pháp và trật tự xã hội ở Hong Kong có thể sẽ biến mất” – theo Nhân dân nhật báo.

Từ bài viết này, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đã bắt đầu chiến dịch tuyên truyền chống lại sự ủng hộ bộ phận đối lập, sau khi có tới 610.000 người Hong Kong đi bỏ phiếu trong mộc cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức cuối tuần trước.

Ngày 14-7, chính phủ trung ương lên án mạnh cuộc bầu cử không chính thức này, cáo buộc các nhà tổ chức “thao túng trái phép” hệ thống bỏ phiếu của Hong Kong và thách thức luật an ninh quốc gia mới được ban hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm