Theo thông tin từ báo South China Morning Post (SCMP), Đài Loan đang lo lắng cho số phận văn phòng đại diện của mình ở Hong Kong, sau khi chính phủ Trung Quốc đại lục áp luật an ninh quốc gia lên đặc khu này ngày 30-6.
Cụ thể, Đài Loan lo văn phòng đại diện – có tên Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Teco) - ở Hong Kong rồi sẽ dần trở nên không còn hoạt động được.
Bị trục xuất vì không chấp nhận “một Trung Quốc”
Quyền Giám đốc văn phòng đại diện của Đài Loan tại Hong Kong – ông Kao Ming-tsun và hai đồng nghiệp của ông đã bị buộc phải rời đặc khu này sau khi từ chối ký vào văn bản hứa “tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc một Trung Quốc” cũng như đồng ý tuân thủ luật an ninh Hong Kong, một điều kiện để được phục hồi visa làm việc.
Sau khi ông Kao về nước thì văn phòng Teco hiện không có người đứng đầu và thiếu nhiều quan chức phụ trách các lĩnh vực chủ chốt (liên lạc, kinh tế, văn hóa, thông tin). Ngoài ông Ni Po-chia - Giám đốc phụ trách sự vụ kinh tế còn ở lại văn phòng thì các vị trí cấp cao khác đã phải quay về Đài Loan.
Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Teco) ở Hong Kong. Ảnh: Edmond So/SCMP
Hội đồng Các vấn đề đại lục của Đài Loan – cơ quan giám sát cả các vấn đề Hong Kong và Macau – xác nhận nhiệm kỳ của ông Kao đã chấm dứt, nhưng không đề cập chuyện ông Kao bị buộc phải rời Hong Kong sau khi từ chối ký vào văn bản cam kết.
Phó Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề đại lục của Đài Loan – ông Chiu Chui-cheng phàn nàn rằng nhà chức trách Hong Kong đã áp đặt “những cản trở không cần thiết” vượt quá thỏa thuận năm 2011 được ký giữa hai bên nhằm lập Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Teco) ở Hong Kong, cũng như lập Văn phòng Kinh tế, Thương mại và Văn hóa Hong Kong tại Đài Bắc.
Văn phòng được thành lập từ thời ông Mã Anh Cửu làm lãnh đạo Đài Loan. Từ khi thành lập, văn phòng Teco được phép thực hiện một số chức năng lãnh sự như cấp visa, phụ trách liên lạc, kinh tế, văn hóa, thông tin.
Ông Mã – được biết có chủ trưởng thân thiện với đại lục – đã ban hành chính sách gắn kết với Bắc Kinh và công nhận thỏa ước “Đồng thuận 1992” giữa Đài Loan và đại lục công nhận chỉ có “một Trung Quốc”, nhưng nước Trung Quốc nào thì mỗi bên lại tự mình định nghĩa.
Quan hệ giữa Đài Loan và đại lục trở nên căng thẳng sau khi bà Thái Anh Văn lên thay ông Mã năm 2016 và từ chối chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”.
Thái độ này của Đài Loan cũng ảnh hưởng đến quan hệ giữa lãnh thổ này với nhà chức trách Hong Kong. So với thời ông Mã, giờ bên Đài Loan khó đưa người sang văn phòng đại diện ở Hong Kong hơn.
Nhân viên phải xin visa làm việc ba năm từ nhà chức trách Hong Kong mới được phép sang làm tại văn phòng.
Ông Lu Chang-shui – người được bổ nhiệm lãnh đạo văn phòng Teco đã phải đợi đến hơn hai năm mới được chính quyền Hong Kong bật đèn xanh chấp nhận. Trong thời gian này, ông Kao – Giám đốc phụ trách bộ phận liên lạc hai bên trong Teco đã phải choàng gánh vị trí của ông Lu, cho đến khi bị yêu cầu về nước gần đây.
Đài Loan: Hong Kong đã “can thiệp chính trị”
Họp báo ngày 16-7, Chủ tịch Hội đồng – ông Chen Ming-tong phàn nàn nhà chức trách Hong Kong đã “can thiệp chính trị” vào hoạt động của văn phòng Teco.
“Phía Hong Kong nên tuân thủ các thỏa thuận song phương bảo vệ các cơ quan các bên khỏi sự can thiệp chính trị. Chúng tôi sẽ có các biện pháp mạnh và cần thiết với việc này” – ông Chen cho biết.
Khi được hỏi liêu văn phòng Teco có khuất phục áp lực từ Hong Kong và ký bất kỳ văn bản chính trị nào mà chính quyền đặc khu cần thể theo luật an ninh hay không, ông Chen khẳng định cả văn phòng Teco và Đài Loan đều sẽ không làm thế.
Luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc đại lục áp lên Hong Kong từ ngày 30-6 trừng phạt các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố, thông đồng với các lực lượng nước ngoài phá hoại an ninh quốc gia.
Người Hong Kong ở Đài Loan biểu tình kỷ niệm một năm làn sóng biểu tình phản đối dự luật dẫn độ. Ảnh: AFP/SCMP
Luật cho phép cảnh sát Hong Kong có nhiều quyền hơn. Bộ phận an ninh đặc khu có quyền yêu cầu các nhóm chính trị ở Đài Loan hay ở nơi khác cung cấp thông tin về hoạt động, chi tiết cá nhân, tài sản, thu nhập, chi tiêu của một tổ chức vận hành ở Hong Kong.
Nhiều nhà quan sát cho rằng với luật an ninh, quan hệ giữa Đài Loan và Hong Kong sẽ càng bất ổn, và Đài Loan sẽ không có nhiều lựa chọn trừ khi muốn chấm dứt quan hệ với Hong Kong.
Về số phận văn phòng Teco, ông Alexander Huang Chieh-cheng – cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề đại lục và hiện là Giáo sư nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế tại đại học Tamkang (Đài Bắc) cho rằng sẽ có một số viễn cảnh.
Một, Teco sẽ tiếp tục hoạt động nhưng phải tự kiểm duyệt. Hai, các chức năng và hoạt động của Teco có thể bị giảm thiểu, có thể chỉ còn hoạt động ở các lĩnh vực như văn hóa, kinh doanh, giáo dục, không còn công tác lãnh sự hay sự vụ chính trị. Ba, nếu nhà chức trách Hong Kong tiếp tục từ chối cấp visa cho nhân viên sang thì Teco có thể đóng cửa vô thời hạn.
Khi được hỏi liệu Đài Loan sẽ thật sự đóng cửa văn phòng Teco, ông Huang cho biết: “Đài Loan sẽ cố gắng hết sức có thể để bảo toàn và thực hiện các dịch vụ với công dân Đài Loan cũng như với những người bạn Hong Kong ở đây (ở Hong Kong)”.
“Theo kinh nghiệm làm việc của tôi, Đài Loan sẽ không đóng cửa Teco chừng nào tình hình trở nên vô vọng hoặc quá nguy hiểm với nhân viên chúng tôi” – ông Huang nói.
Theo ông, rút nhân viên khỏi văn phòng đại diện chính thức của Đài Loan ở Hong Kong sẽ là “một bước lùi lớn với quan hệ Đài Loan-Hong Kong, và là sụt giảm nghiêm trọng quan hệ hai bên eo biển Đài Loan”.