Hoàng Chi Phong – người sáng lập đảng Demosisto ở Hong Kong cho rằng mình sẽ là một “mục tiêu hàng đầu” của luật an ninh quốc gia mà chính phủ Trung Quốc đại lục đang muốn áp lên đặc khu này, theo hãng tin Reuters ngày 26-6.
“Tôi có thể sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của luật mới này” – Hoàng Chi Phong nói với Reuters.
Hoàng Chi Phong kêu gọi thế giới sát cánh Hong Kong
Luật an ninh nhắm trừng phạt các hành động ly khai, lật đổ, khủng bố, và thông đồng với các lực lượng nước ngoài chống phá chính phủ. Tuy nhiên chưa rõ những hành động cụ thể gì cấu thành các tội này và hình thức trừng phạt là gì.
Hoàng Chi Phong những năm qua đã kêu gọi sự ủng hộ từ nước ngoài với phong trào dân chủ ở Hong Kong, với các cuộc gặp các chính trị gia từ Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác. Chính phủ Bắc Kinh gọi Hoàng Chi Phong là “bàn tay đen” của các thế lực nước ngoài.
Hoàng Chi Phong trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 17-9-2019. Ảnh: REUTERS
Hoàng Chi Phong năm nay 23 tuổi. Từ khi còn là học sinh trung học Hoàng Chi Phong đã dẫn đầu một cuộc biểu tình tuyệt thực phản đối hệ thống giáo dục quốc gia. Năm 2014 Hoàng Chi Phong trở thành một trong những lãnh đạo của phong trào biểu tình dân chủ Dù vàng.
Ngoài ra, theo Hoàng Chi Phong, các nhà báo, các tổ chức nhân quyền, tổ chức phi chính phủ từng có quan điểm đi ngược lại chủ trương chính phủ đại lục cũng có thể là mục tiêu của luật an ninh mới này.
Hoàng Chi Phong kêu gọi thế giới sát cánh với Hong Kong và đề nghị Trung Quốc rút lại luật này.
Trung Quốc nói luật an ninh quốc gia sẽ nhắm đến một nhóm nhỏ mục tiêu gây rối, còn người tuân thủ luật pháp thì không có gì phải lo. Tuy nhiên không chỉ thành phần đối lập ở Hong Kong mà nhiều chính phủ nước ngoài lo ngại luật an ninh mới sẽ tác động tiêu cực đến quyền tự trị của Hong Kong được quy định trong tuyên bố chung Trung-Anh năm 1997.
Khả năng luật có hồi tố và tù chung thân
Trong ba ngày, từ hôm nay (28-6) đến ngày 30-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc họp kỳ họp đặc biệt. Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Ip Kwok-him – đại biểu Hong Kong tại Quốc hội Trung Quốc cho biết việc bàn bạc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong là một ưu tiên trong kỳ họp đặc biệt này.
Một biểu ngữ quảng bá luật an ninh quốc gia ở Hong Kong. Ảnh: Sam Tsang/SCMP
Đại biểu Ip Kwok-him có mặt tại Bắc Kinh để tham dự kỳ họp này với tư cách quan sát. Ông Ip Kwok-him cho biết trong phiên họp sáng 28-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã chia thành nhiều nhóm nhỏ để tranh luận về dự luật. Luật an ninh dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua vào ngày 30-6, ngày họp cuối cùng.
“Tôi chỉ có thể nói dự luật đã dược soạn thảo rõ ràng” - ông Ip Kwok-him nói.
Đại biểu Ip Kwok-him đại diện Hong Kong. Ảnh: Jonathan Wong/SCMP
Nhân vật này từ chối tiết lộ liệu luật có đưa ra hình phạt tù chung thân hay cho phép hồi tố các vi phạm trước đây không, nhưng có nhắc đến việc luật an ninh quốc gia của nhiều nước - trong đó có Mỹ - có quy định hình phạt tù chung thân.
“Tôi không hiểu tại sao một tội phạm nghiêm trọng như vậy lại không bị đối xử tương tự (ở Hong Kong)” – ông Ip Kwok-him đặt câu hỏi.
Ngày 27-6, ông Tam Yiu-chung – đại biểu duy nhất của Hong Kong trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói ông sẽ đề nghị các đại biểu Quốc hội tại Bắc Kinh đưa nội dung hồi tố và tăng mức hình phạt cao hơn để đảm bảo hiệu quả ngăn ngừa tội phạm của luật.
Tại Hong Kong, Chủ tịch đảng Công dân – ông Alan Leong Kah-kit chỉ trích tiến trình bàn thảo thông qua luật là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi không ai kể cả Trưởng đặc khu Hong Kong – bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga biết chi tiết về dự luật. Ông Alan cũng cho rằng hình phạt tù chung thân là quá nặng.
Trong khi đó, Chánh văn phòng chính quyền Hong Kong – ông Cheung Kin-chung và Giám đốc Sở Tài chính Hong Kong – ông Paul Chan Mopo ủng hộ thông qua luật.
Giám đốc Sở Tài chính Hong Kong Paul Chan. Ảnh: Nora Tam/SCMP
Ông Cheung nói luật sẽ giúp bảo vệ sự thịnh vượng của Hong Kong về dài hạn cũng như bảo vệ hiệu quả nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Ông Chan thì chỉ trích Mỹ và nói chính quyền đặc khu đã lên sẵn kế hoạch đối phó với đe dọa trừng phạt của Mỹ.
Trước đó Mỹ tuyên bố sẽ rút quy chế đặc biệt về thương mại với Hong Kong nếu đại lục ra luật này. Mỹ cũng vừa quyết định hạn chế cấp thị thực với các quan chức Trung Quốc mà Mỹ cho là có vai trò trong việc hủy hoại sự tự trị và tự do của Hong Kong.