Tân Hoa xã cho biết dự thảo luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong đã được trình lên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) từ ngày 18-6 và đang được Ủy ban xem xét.
Theo Tân Hoa xã, dự thảo đề cập rõ ràng các hình thức phạm tội như ly khai, lật đổ, các hoạt động khủng bố, thông đồng với các thế lực bên ngoài gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia. Dự thảo cũng đề cập các hình thức trừng phạt đối với từng hành vi vi phạm.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), có thể thấy một nội dung quan trọng đã được thêm vào dự thảo, đó là cấm thông đồng với các thế lực nước ngoài gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia.
Từ “thông đồng” không có trong nghị quyết mà Quốc hội Trung Quốc thông qua tháng trước. Nghị quyết này ghi “các hoạt động của các thế lực nước ngoài và bên ngoài nhằm can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong” sẽ bị xem là phạm pháp.
Hoa được đặt tại nơi người biểu tình Marco Leung Ling-kit rơi từ một giàn giáo xuống và chết trong cuộc biểu tình tại Hong Kong một năm trước, ngày 15-6. Ảnh: Tyrone Siu/REUTERS
Sự thay đổi này không làm các chuyên gia pháp lý ngạc nhiên. Ông Deng Zhonghua – Phó Giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong-Macau cho rằng luật an ninh Hong Kong phải tương thích với luật của đại lục về an ninh quốc gia, khủng bố, cũng như thủ tục xét xử tội phạm.
Theo Giáo sư Fu Hualing – Trưởng Khoa luật tại đại học Hong Kong. Luật Hình sự đại lục quy định rõ bất cứ ai “thông đồng với nước ngoài âm mưu gây tổn hại chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh tổ quốc sẽ bị phạt từ 10 năm tù đến chung thân”. Tuy nhiên cũng theo Giáo sư Fu, chưa có ai bị trừng phạt vì tội thông đồng với nước ngoài này kể từ khi Luật Hình sự có hiệu lực năm 1979.
Các chính trị gia đối lập lo ngại nội dung cấm “thông đồng với các thế lực nước ngoài” sẽ trở thành “một vũ khí mới” khống chế hoạt động của họ và khiến họ im lặng. Một trong những nhân vật phản đối mạnh là Hoàng Chi Phong – Tổng Thư ký của đảng Demosisto.
Dự thảo luật cũng yêu cầu chính quyền Hong Kong thiết lập các thể chế mới để bảo vệ an ninh quốc gia, cho phép các cơ quan đại lục hoạt động ở đặc khu “khi cần thiết”.
Dự thảo luật cũng nói chính phủ trung ương có quyền thực hiện quyền xét xử “trong các trường hợp rất đặc biệt”, còn chính quyền Hong Kong sẽ phụ trách các trường hợp còn lại, SCMP dẫn thông tin từ một nguồn tin đại lục biết về các vấn đề liên quan đến Hong Kong. Chưa rõ luật có cho phép dẫn độ nghi phạm Hong Kong sang đại lục xét xử hay không.
Ngày 16-6, ông Yue Zhongming, người phát ngôn Ủy ban Các vấn đề lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tiến trình hoàn thành luật sẽ được đẩy nhanh. Tuy nhiên nguồn tin nội bộ cho biết luật ít có khả năng được thông qua trong tuần này.
Nếu dự thảo luật không được thông qua vào tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào tháng tới để thông qua luật, theo nguồn tin của SCMP. Lịch họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vào tháng 8, và chính phủ trung ương có thể sẽ không chờ tới lúc đó, vì lo ngại sự phản đối sau khi luật được thông qua có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Hong Kong tháng 9 tới.