Ngày 9-6-2020 là tròn một năm kể từ khi phong trào biểu tình phản đối dự luật dẫn độ bùng phát ở Hong Kong.
Báo South China Morning Post (SCMP) và đài AFP đã tổng hợp một số số liệu về những hành động của chính quyền Hong Kong để trấn áp biểu tình.
SCMP: Gần 9.000 người bị bắt, 100 người đã bị kết án
Theo SCMP, từ ngày 9-6-2019 đến ngày 29-5-2020, ít nhất 8.981 người đã bị cảnh sát Hong Kong bắt vì liên quan tới các cuộc biểu tình. Trong đó, người trẻ nhất chỉ 11 tuổi và người cao tuổi nhất đã 84 tuổi.
Cảnh sát Hong Kong phun khói mù khi trấn áp người biểu tình ở Đại học Bách khoa Hong Kong hôm 18-11-2019. Ảnh: CNN
Các thống kê của SCMP cho thấy phần lớn người biểu tình bị bắt thuộc nhóm tuổi từ 18 đến 30 (5.640 người, chiếm 62,8%). Nhóm người trên 30 tuổi chiếm 18,2% (1.634 người).
Ngoài ra, 1.707 trường hợp bị bắt giữ là người dưới 18 tuổi (chiếm 19%), bao gồm tám người dưới 12 tuổi, 1.602 người trong độ tuổi 12-15 và 97 người lớn hơn 15 tuổi.
Cảnh sát Hong Kong sử dụng bình xịt hơi cay để giải tán đám đông biểu tình hôm 5-1. Ảnh: CNN
Ít nhất 1.749 người biểu tình đã bị truy tố, bao gồm 1.547 người đang bị tạm giam để chờ xét xử.
Trong các trường hợp còn lại, ba người được tuyên trắng án, 36 người được tha tù, 63 người bị cảnh cáo sẽ phải hầu tòa nếu tái phạm và 100 bị kết án. Trong đó, ít nhất chín người bị tuyên phạt lao động công ích và 17 người bị phạt tù.
Một người biểu tình bị bắt giữ ở khu vực Trung Hoàn, quận Trung Tây (đảo Hong Kong) hôm 11-11-2019. Ảnh: CNN
Giới chức Hong Kong đang tiếp tục điều tra ít nhất 7.163 người khác. Phần lớn những người biểu tình trong nhóm này đã được tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh hoặc được cảnh sát trả tự do trong thời gian điều tra. Tuy nhiên, cảnh sát cũng từ chối yêu cầu bảo lãnh của nhiều trường hợp phạm tội nghiêm trọng.
Ít nhất 15 người biểu tình đã được thả theo lệnh của cảnh sát. SCMP không nêu rõ tình trạng của hơn 50 người còn lại trong thống kê này.
AFP: Cảnh sát sử dụng gần 26.300 viên đạn cao su và đạn hơi cay
Còn theo AFP, ngày 9-6-2019 đánh dấu chuỗi các cuộc biểu tình lịch sử ở Hong Kong khi "hơn một triệu người" đã xuống đường tuần hành chống dự thảo luật dẫn độ. Đây là "cuộc biểu tình lớn nhất" kể từ năm 1997.
Người biểu tình đốt lửa tạo chướng ngại vật ở bên ngoài Đại học Bách khoa Hong Kong hôm 18-11-2019. Ảnh: CNN
Tháng 11-2019, Hong Kong bước vào giai đoạn biểu tình căng thẳng nhất. Trong nhiều ngày liền, cảnh sát đã sử dụng lượng lớn đạn cao su và hơi cay để trấn áp người biểu tình.
Ngày 17-11-2019, người biểu tình đã dùng nhiều vật dụng tạo đám lửa lớn bên ngoài Đại học Bách khoa Hong Kong.
Một người biểu tình bị cảnh sát bắt giữ ở khu vực Thượng Thủy, quận Bắc (khu Tân Giới) hôm 28-12-2019. Ảnh: CNN
Từ tháng 12-2019, phong trào biểu tình đã lắng xuống, một phần do tác động của đại dịch COVID-19.
Ngày 24-5, tình hình Hong Kong lại nóng lên sau khi chính quyền trung ương Bắc Kinh công bố kế hoạch ban hành luật an ninh quốc gia dành riêng cho đặc khu này.
Trong ngày 24-5, cảnh sát Hong Kong đã sử dụng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng để trấn áp người biểu tình và bắt giữ hơn 180 người quá khích.
AFP cho biết cảnh sát Hong Kong đã sử dụng 16.191 bình xịt hơi cay và khoảng 10.100 viên đạt cao su khi thực hiện các chiến dịch trấn áp biểu tình trong một năm qua.