Hãng Reuters đưa tin đã có hơn 130 đơn xin giấy phép bán hàng cho Huawei được gửi đến Bộ Thương mại Mỹ.
Thông tin trên được tiết lộ trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó tuyên bố một số công ty vẫn được phép bán hàng cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Điều này càng trở nên trùng khớp với các thông điệp lẫn lộn trước đó của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Kết quả là một hy vọng về các quyết định kịp thời đối với các đơn xin cấp giấy phép bán hàng cho Huawei càng trở nên ít ỏi.
Việc này sẽ khiến các nhà sản xuất chip, các công ty phần mềm và những đối tượng khác trong chuỗi cung ứng của Huawei bị mất hàng tỉ USD doanh số.
"Không ai trong chính phủ biết những gì ông Trump muốn và do đó tất cả đều sợ đưa ra quyết định" - ông William Reinsch, cựu quan chức Bộ Thương mại, cho biết.
Tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 550 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vài giờ sau khi Trung Quốc áp thuế mới đối với 75 tỉ USD hàng hóa của Mỹ.
Sau đó, vào cuối tuần qua, ông đã dịu giọng đối với Trung Quốc tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7, nói rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng như hiện tại và sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng.
Giám đốc điều hành của Huawei, Richard Yu giới thiệu điện thoại thông minh P20 mới tại Paris, Pháp vào ngày 27-3-2018. Ảnh: Getty
Số lượng đơn xin cấp phép hiện tại vượt xa con số 50 mà Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross công bố hồi tháng 7.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại cho biết: "Quá trình cân nhắc các yêu cầu cấp phép liên quan đến Huawei và các chi nhánh của công ty bên ngoài nước Mỹ hiện đang diễn ra".
Dù không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận nhưng Huawei đã kêu gọi Mỹ loại bỏ công ty khỏi danh sách đen và chấm dứt cái mà họ gọi là "đối xử bất công".
Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, đã bị đưa vào danh sách đen liên quan đến những lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ hồi tháng 5, khi các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc bị phá vỡ.
Các công ty Mỹ muốn bán hàng cho những công ty trong danh sách này cần phải được cấp một loại giấy phép đặc biệt và phải vượt qua sự kiểm tra gắt gao.
Phía Mỹ nói rằng Huawei có thể theo dõi khách hàng và do đó đã tìm cách thuyết phục các đồng minh đưa công ty này ra khỏi mạng 5G. Phía Huawei phủ nhận mọi cáo buộc.
Nhằm tìm cách kéo Trung Quốc trở lại bàn đàm phán vào cuối tháng 6, Tổng thống Trump hứa với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng các công ty Mỹ sẽ được phép bán hàng cho Huawei, một động thái được các nhà sản xuất chip và phần mềm của Mỹ vô cùng hoan nghênh. Huawei đã chi 11 tỉ USD để mua linh kiện từ các công ty Mỹ như Intel Corp, Qualcomm và Micron Technology vào năm ngoái.
Sau cam kết của ông Trump, các quan chức chính phủ đã kêu gọi các công ty Mỹ nộp đơn xin giấy phép, nói rằng các mặt hàng không nhạy cảm và dễ bị cạnh tranh bởi bởi các đối thủ nước ngoài sẽ được cấp phép. Hồi tháng 7, Tổng thống Trump và Bộ trưởng Thương mại Ross hứa sẽ trả lời kịp thời.
Một nguồn tin cho biết quá trình xem xét đơn xin không phải là bị trì hoãn, mà vì sự phức tạp của việc tham vấn liên ngành.
Động thái tích cực duy nhất mà Huawei thấy được cho đến nay là việc gia hạn giấy phép chung tạm thời vào tháng 8, điều này giúp các công ty Mỹ có thể sửa chữa và bảo trì các thiết bị cầm tay và mạng hiện có của Huawei.
Chuyên gia Trung Quốc Derek Scissors của Viện Doanh nghiệp Mỹ cho biết một bước đột phá trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể thúc đẩy sự chấp thuận cấp phép cho Huawei ngay trong tháng tới. Hai nhóm đàm phán thương mại sẽ gặp nhau vào tháng 9 tại Washington nhưng ngày cụ thể chưa được tiết lộ.
Theo các quan chức Bộ Thương mại, nhiều yêu cầu cấp phép đã được xem xét bởi các cơ quan khác như Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, vẫn chưa có tiêu chuẩn nào được đặt ra và cũng không có phản hồi nào được đưa ra do các quan chức đang chờ ông Ross và Nhà Trắng bật đèn xanh.
Mỹ có một vụ kiện đang chờ xử lý đối với Huawei liên quan đến các cáo buộc gã không lồ công nghệ đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, đã bị giam giữ tại thành phố Vancouver (Canada) kể từ tháng 12 về các cáo buộc âm mưu lừa đảo nhiều tổ chức tài chính và ngân hàng. Ông Trump đã từng khẳng định Huawei và bà Mạnh có thể được đưa vào một thỏa thuận thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Để đối phó lệnh cấm thương mại, Huawei đã phát triển hệ điều hành di động của riêng mình và tuyên bố là nhanh hơn 60% so với hệ điều hành Android mà điện thoại Huawei hiện đang sử dụng.