Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tiến hành nghiên cứu tác động của môi trường chân không, bức xạ vũ trụ, sự cô lập trong không gian ngoài vũ trụ lên cơ bắp con người.
Theo báo The Sun, NASA sẽ tuyển 24 ứng cử viên, gồm 12 nữ và 12 nam. Nghiên cứu bao gồm quan sát chi tiết từng hành động của ứng cử viên, kể cả việc đi vệ sinh.
24 tình nguyện viên sẽ tham gia nghiên cứu tác động của môi trường chân không lên cơ bắp con người. Ảnh: ESA
Các tình nguyện viên buộc phải sử dụng tiếng Đức, cơ thể khỏe mạnh và thuộc độ tuổi từ 24-55. Họ sẽ trải qua năm ngày làm quen với thí nghiệm, 60 ngày tham gia chương trình và 14 ngày nghỉ ngơi, phục hồi chức năng sau thí nghiệm.
Không những được xem TV, người tham gia chương trình còn có thể đăng ký các khóa học trực tuyến hoặc đọc sách.
Các tình nguyện viên sẽ nằm giường, đọc sách, xem phim trong vòng 2 tháng liên tục. Ảnh: ESA
Đơn ứng tuyển mở đến ngày 24.5 và thí nghiệm sẽ bắt đầu vào tháng 9 năm nay.
Trưởng nhóm nhiên cứu ESA, Jennifer Ngo-Anh cho biết: “Nghiên cứu này giúp chúng tôi giải quyết vấn đề teo cơ do trong môi trường chân không, dưới tác động của bức xạ vũ trụ và sự cô lập trong không gian”.
Chương trình sẽ mô phỏng môi trường không trọng lực trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu ảnh hưởng của nó lên cơ thể 24 tình nguyện viên.
Một nửa số tình nguyện viên sẽ được xoay bởi máy ly tâm trong một thời gian ngắn. Thiết bị này sẽ giúp tái tạo trọng lực trong môi trường chân không và đẩy máu đến các chi trong cơ thể, hệt như lúc con người ở trong môi trường có trọng lực.
Máy li tâm được sử dụng để tái tạo trọng lực trong môi trường chân không. Ảnh: ESA
ESA cho biết mỗi ngày, phi hành gia trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) phải tập thể dục 2,5 giờ và duy trì chế độ ăn uống cân đối để giảm thiểu tác hại của vi trọng lực.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng việc bổ sung trọng lực mới là chìa khoa lâu dài cho các nhiệm vụ không gian dài hạn. Họ sẽ nghiên cứu xem việc ở trong buồng trọng lực nhân tạo có thể ngăn chặn khả năng teo cơ hay không.
Họp báo về thí nghiệm nghiên cứu trọng lực với sự hợp tác giữa hai ông lớn NASA và ESA. Ảnh: ESA
Theo Tiến sĩ Edwin Mulder từ Viện Y học Hàng không Vũ trụ DLR, trọng lực nhân tạo có thể là giải pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe con người trong các nhiệm vụ không gian dài hạn.
NASA từng tiến hành các nghiên cứu tương tự về tác động của áp suất lỏng lên mắt và dây thần kinh thị giác của phi hành đoàn vào năm 2017.