Ngày 2-11, chính phủ Tổng thống Trump khôi phục vòng trừng phạt thứ hai lên Iran sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Vòng trừng phạt thứ hai này áp lên các lĩnh vực vận tải biển, tài chính và năng lượng Iran, sẽ có hiệu lực từ ngày 5-11.
Sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5, chính phủ Trump đã một lần khôi phục trừng phạt với Iran. Và với vòng trừng phạt thứ hai này thì Mỹ đã khôi phục toàn bộ trừng phạt Iran mà mình đã phong tỏa kể từ khi ký thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, hơn 700 công ty và cá nhân Iran sẽ bị thêm vào danh sách trừng phạt. Trong số này, ngoài những cái tên đã từng bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký thì còn có 300 cái tên mới.
Họp báo chung với Bộ trưởng Mnuchin ngày 2-11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết mục tiêu sau cùng của Mỹ là “buộc Iran từ bỏ vĩnh viễn các hành động bất hợp pháp và hành xử như một quốc gia bình thường”.
Ông Pompeo đưa ra danh sách 12 điều kiện Iran phải đáp ứng nếu muốn được dỡ bỏ trừng phạt, trong đó có ngừng ủng hộ khủng bố, tham gia quân sự ở Syria, ngưng phát triển hạt nhân, tên lửa đạn đạo.
Theo lời ông Pompeo thì sẽ có tám nước được Mỹ cho phép tiếp tục nhập khẩu dầu Iran nhưng sẽ phải giảm từ từ và chấm dứt hẳn sau sáu tháng. Trong đó, chủ yếu là các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Nhật, Hàn Quốc… Iran có thể sử dụng số tiền từ việc bán dầu cho các nước này nhưng chỉ được sử dụng vào các hạng mục nhân đạo.
Công nhân sửa chữa một nhà máy lọc dầu của Iran ở Tehrain (Iran). Ảnh: AP
Ngày 2-11, nhiều nghị sĩ Mỹ cứng rắn với Iran vẫn muốn chính phủ Trump xử lý nặng hơn nữa. Những người này muốn Iran bị cắt nối kết với mạng lưới giao dịch tài chính quốc tế (SWIFT). Tuy nhiên, ông Mnuchin bảo vệ quyết định cho phép một số ngân hàng Iran vẫn nằm trong mạng lưới SWIFT, nói rằng SWIFT đã được Mỹ cảnh báo là sẽ trừng phạt nếu cho phép các công ty nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ sử dụng dịch vụ của mình.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, một trong những thành tựu ngoại giao lớn của Tổng thống Barack Obama, được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga, Trung Quốc). Theo đó, Iran sẽ ngưng chương trình hạt nhân đổi lấy được dỡ bỏ trừng phạt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Mỹ vừa khôi phục hoàn toàn trừng phạt lên Iran. Ảnh: AP
Ông Trump luôn cho rằng đây là thỏa thuận tồi tệ, nhượng bộ Iran quá nhiều mà không ngăn được sự hiếu chiến của nước này. Trên Twitter tối 2-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Mục tiêu của chúng ta là buộc Iran có lựa chọn rõ: từ bỏ hành vi phá hoại hoặc tiếp tục đi trên con đường tới thảm họa kinh tế”.
Bất chấp thái độ của Mỹ, các nước còn lại trong khối P5+1 vẫn trung thành với thỏa thuận. Các nước châu Âu thống nhất sẽ bảo vệ thỏa thuận dù không có Mỹ.