Mỹ, Nhật tập trận: Thông điệp cứng rắn với Trung Quốc

Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật (JSDF) từ ngày 26-10 đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự chung mang tên Keen Sword 21 tại khu vực biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc (TQ). Đây cũng là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide nhậm chức hồi tháng 9.

Mỹ giữ vững cam kết với đồng minh

Theo đài CNN, hiện giới chuyên gia đang rất quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột giữa Nhật và TQ liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và xa hơn là một cuộc đối đầu quân sự Mỹ - Trung, bởi Washington và Tokyo đã ký kết hiệp ước phòng thủ chung. Theo đó, nếu lãnh thổ Nhật bị một quốc gia khác tấn công xâm lược, Mỹ phải có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh.

Xét trong bối cảnh hiện nay, nội dung trên càng đặc biệt quan trọng do TQ thời gian qua liên tục có những động thái khiêu khích ở biển Hoa Đông. Trả lời tờ South China Morning Post, GS Alessio Patalano thuộc ĐH King London (Anh) cho biết từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, các tàu của TQ bị phát hiện đi vào các vùng biển tranh chấp với Nhật trong 111 ngày liên tục. Đây được cho là động thái nhằm bình thường hóa sự hiện diện của lực lượng quân sự TQ ở các khu vực tranh chấp và công khai thách thức lập trường của Tokyo.

Ngoài ra, tương tự tình hình ở Biển Đông, TQ cũng đang sử dụng chiến thuật “cắt lát salami” trong các hoạt động hàng hải ở biển Hoa Đông. Cụ thể, Bắc Kinh tiến hành các hành động khiêu khích quy mô nhỏ, không đến mức châm ngòi xung đột quân sự, nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền ở các khu vực tranh chấp để sau đó tăng cường thay đổi chiến lược lớn, chuyển dần từ nguyên trạng sang giành quyền kiểm soát thực sự.

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng công khai chỉ trích TQ đang lấy vấn đề Senkaku/Điếu Ngư để “kích động tranh chấp lãnh thổ” với mục tiêu lớn hơn là chèn ép các nước xung quanh đi theo quỹ đạo của mình.

Vì vậy, có thể thấy sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Mỹ và Nhật tại biển Hoa Đông trong tuần này là biểu hiện rõ ràng nhất cho việc thực thi các cam kết của Mỹ sát cánh cùng Tokyo trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Về lực lượng tham gia tập trận, Mỹ điều động tới gần 9.000 binh sĩ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng hàng trăm máy bay quân sự hộ tống. Trong khi đó, Nhật triển khai hơn 37.000 binh sĩ, một hạm đội gồm 20 tàu chiến cùng hàng trăm máy bay quân sự.

Tàu chiến của hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật tập trận chung trên biển Hoa Đông vào ngày 26-10. Ảnh: AP

Vai trò của Nhật ở khu vực đang gia tăng

Ngoài giữ vững cam kết của Mỹ với đồng minh, ông Carl Schuster, cựu sĩ quan Trung tâm tình báo hỗn hợp, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, còn nhận định Washington và Tokyo nhiều khả năng muốn thông qua cuộc tập trận chung để gửi một thông điệp răn đe “hết sức cứng rắn” tới TQ rằng mọi ý định chiếm Senkaku/Điếu Ngư sẽ bị đáp trả mạnh mẽ và cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Trong khi đó, chuyên gia Corey Wallace thuộc ĐH Kanagawa (Nhật) lại khẳng định cuộc tập trận đang cho thấy khả năng tác chiến phối hợp giữa quân đội hai nước đang đạt đến những cấp độ mới như việc Mỹ lần đầu tiên hạ cánh trực thăng lưỡng thể MV-22 Osprey thế hệ mới lên tàu sân bay trực thăng lớn nhất của Nhật là JS Kaga.

CNN cho biết TQ hiện cũng đang thực hiện hai cuộc tập trận ở biển Bột Hải và biển Hoàng Hải, song song với cuộc tập trận Mỹ - Nhật. Nội dung và hoạt động diễn ra trong buổi tập trận vẫn chưa được tiết lộ. Hai sự kiện này dự kiến kết thúc lần lượt vào ngày 10 và 30-11. 

“Đây có thể chỉ là bước mở đầu cho những gì quân đội hai nước có thể làm trong tương lai với các loại máy bay chiến đấu và tác chiến công nghệ cao. Việc gia tăng năng lực phối hợp giữa quân đội hai nước trong những tình huống thực tế phản ánh tính chất phức tạp và cường độ ngày càng cao của các cuộc tập trận đổ bộ. Chúng ta nhiều khả năng sẽ được thấy nhiều hơn nữa hình ảnh tiêm kích Mỹ trên các tàu chiến Nhật và ngược lại” - ông Kanagawa nói.

Làm rõ thêm vai trò của Nhật trong cuộc tập trận với Mỹ, CNN nhận định sự xuất hiện của nhiều tàu sân bay, tàu chiến Nhật là chỉ dấu rõ ràng cho khả năng tác chiến hiệu quả của nước này xuyên suốt Thái Bình Dương và xa hơn nữa. Lâu nay vai trò này chủ yếu được hải quân Mỹ thể hiện nên việc Nhật tăng cường hoạt động một phần là chia sẻ trọng trách với Mỹ, một phần là tăng cường ảnh hưởng nhằm đối phó với Bắc Kinh. Đây là điều rất cần thiết với Nhật bởi tuyến hàng hải thương mại quan trọng của nước này đi qua cả Thái Bình Dương, Hoa Đông lẫn Biển Đông.

Mở đường cho hợp tác “bộ tứ kim cương”

Theo CNN, kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 9, tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide luôn thúc đẩy tầm nhìn xây dựng “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” đã được người tiền nhiệm Shinzo Abe đặt ra. Ông theo dõi sát sao các hoạt động triển khai quân sự của Nhật ở các vùng biển có yếu tố tranh chấp của TQ như Biển Đông và biển Hoa Đông. Đồng thời, ông cũng tái khẳng định quan hệ hợp tác quốc phòng với Ấn Độ và Úc - hai thành viên khác cùng với Mỹ và Nhật hợp thành nhóm QUAD (còn gọi là “bộ tứ kim cương”).

Dù không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO, “bộ tứ kim cương” vẫn được xem như một bên đủ sức đối trọng với TQ và thời gian qua đã xuất hiện nhiều nỗ lực của giới lãnh đạo các nước thành viên nhằm nâng cấp vị thế của nhóm QUAD.

Theo kế hoạch, lực lượng hải quân của bốn quốc gia nói trên sẽ tham gia cuộc tập trận Malabar quy mô lớn tại Ấn Độ Dương vào tháng 11 tới và những gì diễn ra trong cuộc tập trận Keen Sword 21 sẽ là màn thể hiện bước đầu cho sự kiện này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm