Mỹ thể hiện vai trò đầu tàu giúp các nước chống dịch
Từ sau thời điểm có vaccine (cuối tháng 12-2020), dịch ở Mỹ có phần dịu hơn so với tốc độ lây nhiễm và chết chóc trong năm 2020 nhưng Mỹ vẫn là nước chịu dịch nặng nếu so với các nước.
Hiện mỗi ngày Mỹ ghi nhận thêm hơn 30.000 ca nhiễm mới và trên dưới 300 ca tử vong. Mỹ vẫn đang là nước có số ca nhiễm và số người chết vì dịch cao nhất thế giới. Tính đến ngày 29-4, Mỹ đã có hơn 33 triệu người nhiễm, trong đó gần 588.000 ca tử vong.
Dù tình hình dịch trong nước vẫn nghiêm trọng nhưng những ngày qua Mỹ đã chứng tỏ vai trò đầu tàu của mình trong việc giúp các nước chống dịch, giữa lúc thế giới - đặc biệt là châu Á đang gồng mình trước đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ đầu dịch.
Chuyện Mỹ giúp Ấn Độ chống dịch là vô điều kiện, không cần đáp lại bằng lợi ích chính trị gì. COVID-19 lây lan ở các nước khác cũng là mối đe dọa với người dân Mỹ. người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ NED PRICE
Giúp Ấn Độ cả nhân lực và vật lực
Những ngày qua, chính phủ Tổng thống Joe Biden đã có hàng loạt bước đi và quyết định quan trọng giúp các nước kìm dịch.
Đầu tuần này - thời điểm Ấn Độ bị dịch hoành hành nặng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và cam kết sẽ cùng sát cánh, vai kề vai chống lại đợt bùng phát mới ở Ấn Độ.
Cậu bé Umar Farooq khóc bên thi thể người mẹ chết vì COVID-19 tại một nghĩa trang ở Srinagar, bang Jammu và Kashmir (Ấn Độ) ngày 26-4. Ảnh: Tauseef Mustafa/AFP/GETTY IMAFES
Mỹ cam kết giúp đỡ Ấn Độ cả về thiết bị y tế, vaccine lẫn chuyên gia để kìm dịch. Cụ thể, Mỹ sẽ gửi vật liệu thô cần thiết để Ấn Độ sản xuất vaccine Covishield, hỗ trợ Ấn Độ các thiết bị chẩn đoán nhanh, máy trợ thở, công cụ bảo hộ, cùng nhiều loại thiết bị điều trị khác. Mỹ cũng sẽ gửi một đội cố vấn y tế công cộng từ Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) và từ Cơ quan Hỗ trợ quốc tế Mỹ (USAID) đến Ấn Độ giúp chống dịch.
Mỹ đẩy nhanh sự hợp tác trong khối Bộ tứ (cùng Ấn - Nhật - Úc) để hoàn tất cung cấp hàng tỉ liều vaccine đến khắp châu Á vào cuối năm 2022. Sự hợp tác này sẽ không bị ảnh hưởng dù một thành viên của Bộ tứ là Ấn Độ đang phải chịu đợt bùng phát dịch nặng nề, theo lời nhiều quan chức cấp cao Mỹ. Hồi tháng 3, một thông báo của nhóm Bộ tứ cho biết Cơ quan Hợp tác phát triển tài chính Mỹ sẽ hỗ trợ tiền để Công ty dược phẩm Ấn Độ Biological E Ltd. mở rộng năng lực sản xuất vaccine lên ít nhất một tỉ liều vào năm 2022.
Có thể từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vaccine
Mỹ thông báo sẽ mở kho vaccine AstraZeneca phân phát 60 triệu liều đến các nước trong vài tháng tới, mà nước sẽ được nhận phần lớn là Ấn Độ.
Một động thái đặc biệt quan trọng, ngày 26-4, đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã gặp lãnh đạo các hãng dược Pfizer, AstraZeneca bàn khả năng từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các vaccine COVID-19 để các nước thoải mái sử dụng công thức sản xuất vaccine ngăn dịch, theo hãng tin Reuters. Đầu tháng này, trong một cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bà Tai có nói rằng khoảng cách của khả năng tiếp cận vaccine, thuốc giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển là “hoàn toàn không thể chấp nhận được” và ngành công nghiệp dược phẩm cần phải “hy sinh” trong thời điểm khủng hoảng y tế như thế này.
TS Carrie Teicher của tổ chức Bác sĩ không biên giới hoan nghênh các động thái của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu muốn chấm dứt đại dịch thì Mỹ cần thiết phải yêu cầu các tập đoàn dược phẩm chia sẻ công nghệ và cách thức sản xuất vaccine với các nhà sản xuất khác. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng khắp toàn cầu.
Dự kiến các nước thành viên WTO sẽ họp vào ngày 30-4 bàn về đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi rằng WTO nên từ bỏ một số điều khoản trong Thỏa thuận về các vấn đề liên quan thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Mỹ và một số nước lớn vốn không đồng ý điều này. Tuy nhiên theo Reuters, hiện nhiều nghị sĩ Dân chủ Mỹ cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự, 60 cựu thống đốc và 100 chủ nhân giải Nobel đã cùng đề nghị Tổng thống Biden cân nhắc từ bỏ. Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki nói chưa có thông tin cập nhật về chuyện này.•
Ấn Độ trải qua ngày kinh hoàng nhất, cộng đồng gốc Ấn ở Mỹ cố gắng giúp
Diễn biến dịch ở Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu sáng sủa hơn. Ngày 28-4 là ngày kinh hoàng nhất ở Ấn Độ kể từ đầu dịch đến nay khi ghi nhận kỷ lục 360.000 ca nhiễm mới - cũng là mức kỷ lục của cả toàn cầu từ đầu dịch - và hơn 3.000 ca tử vong.
Tính đến ngày 29-4, Ấn Độ đã ghi nhận tới gần 18,4 triệu ca nhiễm, trong đó gần 205.000 ca tử vong. Đáng ngại, theo phân tích của hãng tin AP, con số người chết vì COVID-19 thực sự có thể còn cao hơn con số thống kê. Lý do nhiều bệnh nhân COVID-19 đã chết trước khi có thể vào được bệnh viện và cũng có nhiều bệnh nhân chết sau khi nhiễm COVID-19 nhưng lại bị xác định là chết vì các bệnh nền.
Tại thủ đô New Delhi - nơi bị dịch nặng nhất, các bãi xe được chuyển thành các khu hỏa táng, củi để thiêu thi thể đã cạn.
Giữa lúc quê hương chìm trong dịch bệnh, cộng đồng người gốc Ấn ở Mỹ đã chung tay tìm cách giúp. Theo trang tin US News, có thể nói đằng sau các động thái và cam kết giúp đỡ của Mỹ với Ấn Độ có sự đóng góp vận động của cộng đồng người gốc Ấn ở Mỹ.
Có thể kể đến như nghị sĩ Raja Krishnamoorthi, tỉ phú Vinod Khosla - đồng sáng lập Công ty công nghệ Sun Microsystems, nhiều lãnh đạo điều hành người Mỹ gốc Ấn ở các tập đoàn Google, IBM, Microsoft. Các nhân vật này đã cố gắng vận động tìm nguồn cung cấp ôxy, máy trợ thở, các thiết bị y tế cần thiết cho các bệnh viện Ấn Độ, cũng như vận động Nhà Trắng hành động nhiều hơn.
Nghị sĩ Krishnamoorthi đã vận động chính phủ Tổng thống Biden mở kho dự trữ vaccine của AstraZeneca giúp Ấn Độ. Google cho biết đã góp 18 triệu USD hỗ trợ Ấn Độ chống dịch, đồng thời xác nhận Tổng giám đốc Sundar Pichai (người Mỹ gốc Ấn) đã góp riêng 700.000 USD cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chi nhánh Ấn Độ.
Cộng đồng người gốc Ấn ở Mỹ (khoảng 4 triệu người) được xem là một lực lượng chính trị mạnh ở Mỹ với hàng chục nhân vật giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ Tổng thống Biden, đứng đầu có thể kể đến Phó Tổng thống Kamala Harris.