NATO điều tra vụ đối đầu Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới Libya

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 18-6 cho biết đã mở một cuộc điều tra chính thức đối với vụ đối đầu hải quân giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải, theo kênh France 24.

Pháp cho biết một trong những tàu của họ đã bị các tàu hộ vệ của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai radar nhắm mục tiêu khi tàu Pháp kiểm tra một tàu chở hàng bị nghi ngờ vận chuyển vũ khí lậu sang Libya.

Cờ Thổ Nhĩ Kỳ (trái) và cờ NATO. Ảnh: REUTERS

Cụ thể, tàu Courbet của Pháp đang làm nhiệm vụ trong một chiến dịch của NATO đã cố gắng kiểm tra tàu chở hàng treo cờ Tanzania vì nghi ngờ tàu này vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà Liên Hợp Quốc áp vào Libya. Hộ tống tàu chở hàng treo cờ Tanzania là các tàu hộ vệ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các quan chức Pháp, các tàu hộ vệ Thổ Nhĩ Kỳ đã ba lần triển khai radar nhắm mục tiêu đối với tàu Pháp, thường được thực hiện khi tàu chiến có ý định tấn công tên lửa.

Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng cáo buộc của phía Pháp là vô căn cứ. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các tàu hộ vệ của mình chỉ quan sát tàu Courbet, đồng thời cáo buộc tàu Pháp di chuyển tốc độ cao và nguy hiểm.

Pháp vô cùng tức giận, chỉ trích hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là hành vi gây hấn đặc biệt và không thể nào chấp nhận.

“Vụ việc cực kỳ nghiêm trọng này phải được nêu ra và các đồng minh của chúng ta có chung lo ngại” - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly nói trước Thượng viện Pháp. Bà cho biết tám trong số 30 thành viên NATO ủng hộ sự can thiệp của bà.

Tổng Thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg hôm 18-6 cho biết NATO đang điều tra vụ việc.

“Chúng tôi khẳng định nhà chức trách quân sự NATO đang điều tra vụ việc nhằm đưa đến sự rõ ràng về những gì đã xảy ra” - ông Stoltenberg cho biết hôm 18-6 sau cuộc họp từ xa với các bộ trưởng quốc phòng NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra nhiều xáo trộn tại NATO trong những năm gần đây khi can thiệp vào Syria, Libya và mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp - vốn đã căng thẳng do cuộc tấn công quân sự của Ankara nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd ở Syria – căng thẳng hơn khi Ankara ủng hộ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận.

Mặc dù Pháp công khai phủ nhận song nước này từ lâu đã bị nghi ngờ hậu thuẫn cho Nguyên soái Khalifa Haftar, chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) – lực lượng chống GNA.

Liên Hợp Quốc áp lệnh cấm vận vũ khí vào Libya như một nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột bùng phát ở Libya từ năm 2011.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm