Theo chia sẻ của các ngư dân Philippines ngày 16-4, ít nhất 20 tàu Trung Quốc từ tháng 1 đến nay đã neo đậu cách thị trấn San Antonio thuộc tỉnh Zambales, Philippines khoảng 111 km.
Các ngư dân phàn nàn rằng chính các hoạt động "bí ẩn" về đêm của các tàu này là nguyên nhân khiến sản lượng đánh bắt của họ ngày càng giảm, báo Inquirer (Philippines) ngày 17-4 đưa tin.
“Khi đang đánh bắt cá vào ban đêm, chúng tôi có thể nghe thấy âm thanh lớn bên dưới vùng biển gần khu vực các tàu nước ngoài này đang neo đậu. Họ đang làm xáo trộn ngư trường của chúng tôi” - ngư dân Jefrey Melchor chia sẻ, phàn nàn rằng sản lượng đánh bắt cá và mực của ngư dân tại ngư trường này ngày càng giảm.
Đèn nhấp nháy
Inquirer dẫn lời ông Melchor cho biết ngư dân địa phương không thể biết được các tàu Trung Quốc đang làm gì, vì họ chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy từ các tàu này vào ban đêm.
Ngư dân Philippines. Ảnh: INQUIRER
Ông Melchor cho biết các ngư dân đã sử dụng thiết bị định vị GPS để xác định vị trí của các tàu Trung Quốc.
Theo ngư dân Joemari Larawan, 49 tuổi, họ có thể nhận ra các mã ký hiệu Trung Quốc trên các tàu này từ xa.
“Chúng tôi không thể đánh bắt cá ở những khu vực xung quanh những con tàu này nữa. Đó sẽ là một mùa đánh bắt khó khăn khi những con tàu này ở đây” - ngư dân Larawan nói.
Vị trí neo đậu
Theo Chỉ huy Nathaniel Gamis tại trạm biến áp của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Philippines (PCG) ở San Antonio, lực lượng này không thể yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực vì các tàu này đang neo đậu trong “hệ thống cao tốc hàng hải quốc tế” (RRTS) của Philippines.
“Các tàu nước ngoài đi qua khu vực này là chuyện bình thường” - chỉ huy Gamis nói.
Tuy nhiên, các ngư dân cho biết các tàu Trung Quốc đã neo đậu tại chỗ ở khu vực này suốt bốn tháng qua.
“Nhiều ngư dân chúng tôi đã phàn nàn về việc trở về nhà gần như trắng tay sau mỗi chuyến ra khơi” - ngư dân Melchor hôm 16-4 trao đổi với Inquirer qua điện thoại.
“Chúng tôi từng đánh bắt được một lượng lớn cá và mực trước khi những con tàu này đến đây. Chúng tôi có thể kiếm được khoảng 83 USD sau mỗi chuyến đi câu. Nhưng giờ đây chúng tôi hầu như không thu được gì” - ông Melchor nói.
Theo các ngư dân tại thị trấn San Antonio, sản lượng mực đặc biệt nhiều vào mùa hè và mỗi ngư dân có thể mang về nhà ít nhất 20 kg mực mỗi ngày trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5.
Phản hồi yêu cầu bình luận về vấn đề trên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông sẽ kiểm tra tình hình với Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về biển Tây Philippines (NTF-WPS). Biển Tây Philippines là cách Philippines gọi phía đông Biển Đông.
Theo Inquirer, vùng biển ngoài khơi tỉnh Zambales nằm ở phía bắc của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), nơi 240 tàu dân quân biển Trung Quốc được cho là vẫn hiện diện trái phép kể từ hồi tháng 3.
Đánh bắt quá mức
Theo Tổ chức Cứu hộ Môi trường Homonhon (HERO), các tàu Trung Quốc được cho là đang đánh bắt trộm ở ngoài khơi thị trấn San Antonio.
Tổ chức này trích dẫn một báo cáo của NTF-WPS cho thấy có tới 240.000 kg cá bị đánh bắt trái phép tại vùng biển ngoài khơi Philippines mỗi ngày.
Tàu đánh cá Trung Quốc ra khơi từ TP. Chu Sơn thuộc tỉnh Chiết Giang. Ảnh: SCMP
Chủ tịch HERO Villardo Abueme cảnh báo Philippines có thể đối mặt tình trạng thiếu nguồn cá vì các hành vi của Trung Quốc.
Inquirer dẫn lời ông Abueme hôm 15-4 cho biết: “Ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt quá mức, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Họ thậm chí còn bán nguồn thủy sản mà họ đánh bắt được cho ngư dân của chúng tôi với giá cao hơn”.
Ngư dân từ các thị trấn khác ở tỉnh Zambales cũng đã ngừng hoạt động đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough, nơi từng là ngư trường truyền thống của Philippines, do sản lượng cá nơi đây ngày càng cạn kiệt.
Theo Inquirer, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng và đôi khi còn đâm vào tàu của ngư dân Philippines để xua đuổi họ khỏi bãi cạn này.
Ông Abueme nhấn mạnh rằng: “Điều này thực sự còn tồi tệ hơn cả sự xâm lược. Ngư dân của chúng tôi không còn gì để ăn. Họ sẽ thiếu ăn vì những tàu Trung Quốc này”.
Theo đó, ông kêu gọi Cục Nghề cá và Nguồn lợi Thủy sản (BFAR) điều tra hành vi đánh bắt quá mức của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trao đổi với Inquirer, ông Willy Cruz - người đứng đầu BFAR tại đảo Luzon - cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc tại vùng biển ngoài khơi thị trấn San Antonio.
Theo ông Cruz, một khi đã xác nhận có các tàu nước ngoài đang làm ảnh hưởng ngư trường của Philippines, BFAR sẽ báo cáo với PCG và kêu gọi Bộ Ngoại giao đệ trình công hàm ngoại giao phản đối.