Ngày 22-4 theo kế hoạch sẽ là ngày người dân Nga tham gia trưng cầu dân ý đối với đề xuất thay đổi hiến pháp, có thể cho phép Tổng thống Vladimir Putin lãnh đạo nước Nga tới năm 2036. Tuy nhiên, sự kiện này cuối cùng bị hoãn do đại dịch COVID-19. Đến tuần trước, Tổng thống Putin lại phải ra quyết định hoãn lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II cũng vì đại dịch.
Hai sự kiện trọng đại trong sự nghiệp đều sụp đổ, ông Vladimir Putin đang đứng trước một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất trong hai thập niên cầm quyền của mình.
Khó khăn chồng chất
Theo hãng tin TASS, bản thân ông Putin đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trước đây và chưa có dấu hiệu cho thấy ông sẽ “đầu hàng”. Dù vậy, những khó khăn đang chồng chất lên vai chính khách 67 tuổi này.
Với số ca tử vong vì COVID-19 ở Nga nay đã hơn 600 người trong tổng số gần 69.000 bệnh nhân, một số chuyên gia cho rằng có thể cường quốc này đã phản ứng chậm trước đại dịch và tỏ ra nghi ngại về khả năng ứng phó với dịch bệnh của hệ thống y tế của Nga. Hiện các dự đoán về tình hình diễn biến của dịch bệnh đều đồng ý rằng đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng giữa tháng 5.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới dưới tác động của đại dịch giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, trong khi đây lại là yếu tố quyết định nền kinh tế Nga. Chưa hết, đồng rupe của Nga hiện là một trong những đồng tiền mất giá thê thảm nhất thế giới.
Theo tính toán, GDP của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới có thể giảm 15% nếu giá dầu rớt xuống dưới 10 USD/thùng. Cựu bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin cho biết số người Nga thất nghiệp có thể tăng gấp ba lần, lên 8 triệu người trong năm nay.
Nguồn thu từ dầu mỏ, khí đốt cũng có thể giảm 165 tỉ USD và điều này buộc chính phủ Nga phải dùng đến quỹ dự trữ ngoại hối 550 tỉ USD để hỗ trợ ngân sách nhà nước vốn đang thiếu hụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, số tiền này nhiều khả năng vẫn chưa đủ để nâng cao mức sống và cải thiện cơ sở hạ tầng như kỳ vọng.
Ngày 22-4, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cũng thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC rằng Nga và Tổng thống Putin đang đối mặt với “tình cảnh rất khó khăn” giữa lúc dịch COVID-19 lây lan nhanh trong nước. “Sở dĩ ông Putin cảm thấy bị thách thức là bởi ngoài mối nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng con người, khủng hoảng do đại dịch sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên thế giới” - ông Peskov giải thích.
Tổng thống Nga đối diện nhiều sức ép lớn trước tình hình dịch trong nước. Ảnh minh họa: AFP
Chủ doanh nghiệp lo ngại
Ông Putin hồi cuối tháng 3 đã tuyên bố cho người dân nghỉ một tuần nguyên lương từ ngày 28-3 nhưng sau đó kỳ nghỉ kéo dài đến ngày 30-4, đồng thời khẳng định các doanh nghiệp nhỏ sẽ được cắt giảm phí bảo hiểm quốc gia cho nhân viên và hoãn đóng thuế.
Khi được hỏi về nỗi lo của các doanh nghiệp, ông Dmitry Peskov cho biết tình hình hiện nay chưa từng xuất hiện và đang thay đổi nhanh chóng nhưng các doanh nghiệp nên tận dụng những giải pháp hỗ trợ đã được ban hành. “Tổng thống Putin dĩ nhiên đang theo dõi tình hình hằng giờ. Các biện pháp hỗ trợ sẽ được xây dựng phụ thuộc vào diễn biến đang phát triển” - người phát ngôn điện Kremlin cho hay.
Chính phủ Nga đầu tuần trước đã công bố một chương trình trị giá gần 2 tỉ USD để cho doanh nghiệp nhỏ vay không lãi suất. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để xoa dịu những người như bà Dariya Kaminskaya - chủ một cửa hàng sửa chữa ô tô phải đóng cửa vì COVID-19. “Đây là cách mà các cuộc cách mạng đã được bắt đầu trong quá khứ, bắt đầu từ giai cấp vô sản. Viễn cảnh tương lai tràn ngập nước mắt” - bà Kaminskaya nói.
TP St Petersburg (Nga) ngày 23-4 tuyên bố khánh thành bệnh viện dã chiến 10.000 người, theo tờ The Moscow Times. Bệnh viện sẽ hoạt động chính thức vào cuối tuần này để phục vụ các ca nhiễm COVID-19 nặng không thể tự cách ly ở nhà. |
Ông Putin có thay đổi chiến lược?
Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Vladimir Putin đã ví cuộc chiến đấu chống lại COVID-19 tại Nga như trận chiến chống lại quân xâm lược thời trung cổ và cho biết vài tuần tới sẽ có ý nghĩa quyết định.
Ngoài ra, bất chấp tốc độ gia tăng ca nhiễm COVID-19 ở Nga vẫn không có dấu hiệu chậm lại, nhà lãnh đạo Nga vẫn khẳng định ông muốn duy trì hoạt động của nền kinh tế. “Chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế, hoặc hạn chế ồ ạt công việc của các doanh nghiệp. Chúng ta phải hiểu rằng điều này có thể dẫn đến các hậu quả khôn lường” - ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết những tuần tới sẽ là khoảng thời gian quyết định cho nỗ lực chống dịch ở Nga. “Chúng ta sẽ đánh bại COVID-19 này. Cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua mọi thứ” - ông Putin khẳng định.
Nga viện trợ y tế cho Mỹ, Ý... Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, Nga đã gửi các lô hàng viện trợ y tế tới Mỹ, Ý và nhiều quốc gia gặp khó khăn trong công tác ứng phó, phòng, chống dịch bệnh. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng đây là một “chiêu trò” của Nga nhằm thuyết phục Mỹ và châu Âu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này sau khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và các cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Khi được hỏi về những ý kiến bình luận nói trên, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã bác bỏ và khẳng định Tổng thống Putin hoàn toàn muốn giúp đỡ Mỹ giải quyết tình trạng thiếu máy thở và các loại vật tư y tế khác. “Đây không phải là thời điểm thích hợp để nghĩ đến lợi ích hay kỳ vọng khi đưa ra quyết định giúp đỡ người khác như vậy” - ông Peskov nói. |