Cả Tân Hoa Xã (Trung Quốc - TQ) và hãng thông tấn trung ương CHDCND Triều Tiên KCNA ngày 17-6 đều đưa tin Chủ tịch TQ Tập Cận Bình sẽ thăm Triều Tiên vào ngày mai, 20-6.
Ông Tập sẽ thăm Triều Tiên trong hai ngày (20 và 21-6) theo lời mời của ông Kim. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch TQ đến Triều Tiên sau 14 năm. Bản thân ông Tập từng thăm Triều Tiên năm 2008 nhưng thời điểm đó ông giữ chức phó chủ tịch TQ.
Theo một quan chức Triều Tiên, chuyến thăm của ông Tập có ý nghĩa quan trọng với quan hệ song phương khi hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 17-6, người đứng đầu Ban Đối ngoại thuộc Đảng Cộng sản TQ, Đặc phái viên cấp cao TQ Song Tao nói với truyền thông quốc gia rằng ông Tập và ông Kim sẽ thăm Tháp hữu nghị Trung-Triều tại thủ đô Bình Nhưỡng. Đây là công trình tưởng niệm binh sĩ TQ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên.
Thông tin này thu hút sự chú ý của thế giới, không chỉ vì đây là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của ông Tập kể từ khi làm chủ tịch TQ mà còn vì chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh cả TQ lẫn Triều Tiên đang không suôn sẻ trong quan hệ với Mỹ. TQ đang căng thẳng với Mỹ về thương mại và Triều Tiên đang bất đồng với Mỹ về vấn đề giải trừ hạt nhân.
Ông Tập đến Triều Tiên trước khi diễn ra hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản, nơi ông dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như trước chuyến thăm Hàn Quốc của ông Trump cuối tháng này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần gặp nhau tại Bắc Kinh. Ảnh: AP
Trung Quốc muốn gì?
Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Tập chủ ý chọn thời điểm này để thăm Triều Tiên nhằm tăng uy tín trước hội nghị G20, khẳng định vị trí toàn cầu của mình. Ông Tập cũng muốn nhắc nhở các nước về vị thế đặc biệt và vai trò của TQ trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đồng thời cũng muốn tìm thêm ưu thế trước ông Trump trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ-Trung vẫn đang tiếp tục xấu đi.
Đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ bị ngưng trệ sau kỳ thượng đỉnh Trump-Kim không đạt được tuyên bố chung hồi tháng 2 vì không thống nhất được quy mô giải trừ hạt nhân và giảm nhẹ trừng phạt. Và theo báo the Washington Post, chuyến thăm của ông Tập sẽ là một thắng lợi ngoại giao của ông Kim sau kỳ thượng đỉnh này.
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh cho rằng ông Tập chủ ý chọn thời điểm thăm Triều Tiên trùng với sự kiện hội nghị G20 để cho ông Trump thấy rằng “TQ vẫn còn “lá bài” quan trọng là Triều Tiên”.
Theo The New York Times, thăm Triều Tiên đồng nghĩa ông Tập đã can dự vào nỗ lực đàm phán với Triều Tiên của Mỹ. Theo truyền thông TQ, ông Tập và ông Kim sẽ “trao đổi quan điểm về tình hình bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy một tiến trình mới để có giải pháp chính trị về vấn đề này”. Kênh CNBC cho rằng ông Tập có thể sẽ đưa ra một kế hoạch khôi phục đối thoại cho Triều Tiên và cả Mỹ.
Tuần trước, ông Trump nói ông Kim có gửi cho ông một “bức thư dễ thương” sau nhiều tháng im lặng kể từ kỳ thượng đỉnh tháng 2. Theo lãnh đạo điều hành Chad O’Carroll của Nhóm Rủi ro Triều Tiên, chuyến thăm của ông Tập cùng với lá thư ông Kim gửi ông Trump có thể sẽ khiến ông Trump có thêm động cơ tìm kiếm một cuộc gặp với ông Kim ở Bàn Môn Điếm nhằm khôi phục đối thoại hai bên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gần đây nói ông hy vọng một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Kim có thể diễn ra trong tháng này. Theo ông O’Carroll, ông Moon nói vậy là có căn cứ vì điều này đã có tiền lệ. Thời điểm năm 2018, ông Trump từng tuyên bố hủy lịch gặp với ông Kim. Sau đó, ông Moon và ông Kim gặp nhau. Không lâu sau cuộc gặp này, ông Trump lại khôi phục lịch gặp ông Kim tại Singapore. Chuyên gia về Triều Tiên Harry Kazianis tại Trung tâm Vì quyền lợi quốc gia (Mỹ) cũng cho rằng ông Tập có thể “sẽ gửi một thông điệp từ ông Kim sẵn sàng cho kỳ thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ ba và những gì mình muốn trong cuộc gặp thượng đỉnh này”.
Chuyến thăm của ông Tập sẽ là một đảm bảo cho Triều Tiên để trấn an ông Trump về ý định hòa bình của mình. Nhà nghiên cứu EVANS J.R. REVERE |
Mỹ lợi hay hại?
Chưa tính cuộc gặp sắp đến này thì ông Tập và ông Kim từng gặp nhau bốn lần trong hai năm qua. Trong đó có hai cuộc gặp diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Kim gặp ông Trump. Tuy nhiên, theo The Washington Post, thời điểm này, động lực ba bên đã có phần thay đổi với thực tế quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nghiêm trọng vì cuộc thương chiến cả năm qua.
Ông Trump tuần trước có nói TQ sẽ phải đón nhận thêm đợt đánh thuế mới của Mỹ lên 325 tỉ USD hàng nhập khẩu nếu hai bên không thống nhất thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, vào ngày 16-6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói ông không kỳ vọng gì hơn về cuộc gặp sắp tới ngoài việc lãnh đạo hai nước đồng ý sẽ tiếp tục đối thoại. Lần cuối phái đoàn hai bên gặp nhau là vào tháng 5 và đến thời điểm này vẫn chưa có lịch gặp tiếp theo.
Trước khi cuộc thương chiến với TQ leo thang nghiêm trọng trong năm qua, ông Trump từng nói ông trông đợi vào sự giúp sức của ông Tập trong việc gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa. Bên cạnh ý kiến chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập có lợi cho Mỹ thì nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến thăm là dấu hiệu cho thấy TQ đang dần mất kiên nhẫn trong trừng phạt và miễn cưỡng duy trì áp lực lên Triều Tiên theo ý Mỹ. Theo cựu cố vấn Evan S. Medeiros của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đây là tín hiệu cho thấy ông Tập đã từ bỏ ý định có một quan hệ ổn định, đôi bên cùng có lợi với ông Trump.
Quan hệ giữa TQ và Triều Tiên không hoàn toàn suôn sẻ. Dù là đồng minh thân thiết nhưng TQ đã bỏ phiếu thuận cho nhiều nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc với Triều Tiên trong những năm qua. Theo nhà nghiên cứu Evans J.R. Revere tại Viện chính sách Brookings (Mỹ), chuyến đi của ông Tập không có nghĩa quan hệ hai nước được cải thiện. Ông Revere đoan chắc rằng TQ “đã yêu cầu Triều Tiên phải trả một cái giá để được ông Tập sang thăm, đó là không khiêu khích”, như không thử tên lửa. Cựu quan chức ngoại giao Mỹ Mintaro Oba cho rằng ông Tập có thể cảm thấy có bổn phận phải thăm Triều Tiên sau khi ông Kim đã bốn lần sang TQ. |