'Philippines cần đưa phán quyết Biển Đông năm 2016 vào chương trình giáo dục'

Đài ABS-CBN đưa tin Hiệp hội Công dân vì Sự sống và Luật pháp (CALL) về Biển (Philippines) ngày 27-6 đã đề xuất chính quyền nước này thúc đẩy giáo dục công dân về chiến thắng của Manila liên quan phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông năm 2016, cũng như quốc tế hóa sự phát triển tại Biển Đông.

Theo ông Greg Atienza – giám đốc điều hành của Soul Philippines, liên minh CALL - được thành lập vào ngày 22-6 - đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Ủy ban Giáo dục Đại học Philippines đưa phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016, vốn vô hiệu hóa các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, vào chương trình giảng dạy bậc trung học và đại học.

'Philippines cần đưa phán quyết Biển Đông năm 2016 vào chương trình giáo dục'. Ảnh: ABS-CBN

"Đây là một cuộc chiến lâu dài. Nếu chúng ta không biết quyền lợi của mình, thì chúng ta đấu tranh để làm gì? Chương trình giáo dục của chúng ta nên bao gồm các quyền này" – ông Atienza trao đổi với ABS-CBN.

Theo ông Atienza, các nhà lập pháp Philippines cũng được khuyến nghị thông qua luật cần thiết nhằm toàn cầu hóa việc thăm dò và phát triển tại biển Tây Philippines, cách Manila gọi phía đông Biển Đông.

"Theo đó, chúng ta càng càng nhiều sự tham gia đa phương ở biển Tây Philippines, một cách thức giúp thúc đẩy sự ổn định hơn. Ví dụ, ký thêm các dự án như Malampaya" - ông Atienza nói.

Malampaya là dự án khai thác khí đốt tự nhiên của Philippines ngoài khơi đảo Palawan.

Ông Atienza cho biết lực lượng tuần duyên và hải quân Philippines cũng được lệnh hỗ trợ ngư dân nhằm tránh bị tàu Trung Quốc xua đuổi.

Theo ABS-CBN, đề xuất của CALL được đưa ra trong bối cảnh Philippines sắp kỉ niệm năm năm phán quyết của Toà Trọng tài ở La Hague về Biển Đông (ngày 12-7-2016), một trong những di sản quan trọng của cố Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, người đã qua đời hôm 24-6.

Ông Atienza cho biết vào ngày 12-7, khoảng 50 nhóm sẽ tập hợp trực tuyến để bắt đầu "chiến dịch giáo dục cho người dân nói chung".

Mục đích là nhằm mở rộng "hành động thống nhất để bảo vệ biển Tây Philippines", bao gồm "việc hình thành liên minh với các đối tác quốc tế để thực thi phán quyết", ông Atienza cho hay.

Trong một cuộc phỏng vấn riêng với ABS-CBN hôm 27-6, ông Rico Domingo – thành viên Hiệp hội Luật sư Philippines (PBA) -  cho biết tuy chưa có tiền lệ liên quan việc thực thi phán quyết của tòa trọng tài, song vụ kiện của Nicaragua đối với Mỹ vào những năm 1980 có thể được xem là mô hình.

Một bộ phận thuộc PBA đang nghiên cứu vấn đề này và dự định soạn thảo một kế hoạch chi tiết cho việc thực thi và trình lên chính quyền để xem xét.

Ông Domingo cho biết: “Chúng tôi đã nói rằng người Philippines có thể đảm bảo lập trường về điều này và thực hiện nghiên cứu sâu để có một kế hoạch chi tiết cho đất nước và cho thế hệ tương lai của chúng tôi”.

Tuy nhiên, ông Domingo cũng bày tỏ rằng nhiều người không nhận ra mối đe dọa hiện hữu của Trung Quốc đối với đất nước, khiến “Palawan có nguy cơ trở thành lãnh thổ thuộc về Trung Quốc”.

"Chúng ta phải quan tâm đến vấn đề đó và cảnh giác, và chúng ta phải giải quyết vấn đề đó càng sớm càng tốt” - ông Domingo nhấn mạnh.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm