Phương Tây, Trung Quốc căng thẳng vì nguồn gốc dịch COVID-19

Tranh cãi về nguồn gốc virus gây dịch COVID-19 và trách nhiệm thuộc về bên nào khi để đại dịch bùng phát toàn cầu đang là chủ đề rất được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc mở các cuộc điều tra cũng đang được xem xét trong bối cảnh xuất hiện hàng loạt nghi vấn về mức độ minh bạch thông tin về dịch của Trung Quốc (TQ) lẫn trách nhiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Phương Tây công kích mạnh mẽ

Trong diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Úc Marise Payne ngày 19-4 lên tiếng kêu gọi mở điều tra về nguồn gốc của virus gây dịch COVID-19 cũng như công tác xử lý khủng hoảng của TQ lẫn WHO. Bà Payne nhấn mạnh Úc quan ngại về các cáo buộc WHO cố tình che đậy mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch ở TQ, theo đài ABC.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng cảnh báo Bắc Kinh sẽ gánh chịu hậu quả nếu cố ý để đại dịch bùng phát. “Sai lầm là một sai lầm nhưng nếu đây là hành động có chủ đích, sẽ có hậu quả dành cho họ” - ông Trump nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, người đứng đầu lực lượng đặc trách đối phó dịch COVID-19 của Nhà Trắng Deborah Birx khẳng định bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là các nước có dịch khởi phát sớm, đều phải có nghĩa vụ minh bạch về số liệu bệnh dịch. “Đây là nghĩa vụ đạo đức của những nơi này với phần còn lại của thế giới” - bà Birx chia sẻ.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, TQ đến nay chưa phản hồi yêu cầu cho chuyên gia vào phòng thí nghiệm ở Vũ Hán để xác định chính xác xem virus bắt nguồn từ đâu. Tuyên bố của ông Pompeo đang ngầm ám chỉ giả thuyết virus gây dịch COVID-19 là sản phẩm do con người tạo ra, vốn là thông tin chưa được giới chuyên gia công nhận. Dù vậy, một số quan chức Mỹ từng thăm Viện Virus học Vũ Hán trong bức điện gửi về Washington hồi tháng 1-2018 đã cảnh báo về tình trạng yếu kém trong quản lý và độ an toàn ở phòng thí nghiệm này, theo tờ The Washington Post.

Một số đồng minh khác của Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích TQ, dù không đi sâu vào vấn đề nguồn gốc dịch COVID-19. Đơn cử, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hồi ngày 16-4 cam kết thời gian tới sẽ cho đánh giá lại toàn bộ quan hệ song phương với TQ, khẳng định mối quan hệ này sẽ không thể trở lại bình thường như trước sau khi dịch COVID-19 qua đi. Giới quan sát nhận định tuyên bố của ông Raab có thể đã khép lại cánh cửa tham gia xây dựng mạng lưới 5G của Tập đoàn Huawei tại Anh. Cộng đồng tình báo Anh trước đó cũng cảnh báo London nên cẩn trọng với “yếu tố TQ” trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron còn nói thẳng các nhận định rằng TQ chống dịch tốt hơn phương Tây là “quá ngây thơ”. Paris cũng có động thái triệu tập đại sứ TQ tại Pháp để phản đối chuyện cơ quan này chê bai cách thức chống dịch của phương Tây và ca ngợi những biện pháp của Bắc Kinh.

Phương Tây và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng vì những nghi vấn xung quanh dịch COVID-19. Ảnh minh họa: CNN

Trung Quốc phản công

Đến nay, TQ kiên quyết bác bỏ thông tin nước này cố tình bưng bít thông tin về tình hình dịch ở đại lục. Trong đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triều Lập Kiên mới đây nhấn mạnh WHO đã tuyên bố không có bằng chứng virus gây dịch COVID-19 được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng tuyên bố này thiếu cơ sở khoa học.

2.350.075 người nhiễm COVID-19 cùng 161.270 ca tử vong được ghi nhận trên toàn thế giới tính đến 19 giờ ngày 19-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước cho hay. Số bệnh nhân điều trị thành công dừng ở 606.139 ca. 

Dù vậy, tờ Die Welt (Đức) nhận định trên thực tế TQ đang một lúc hoạt động trên cả hai mặt trận. Một mặt Bắc Kinh sử dụng chiến lược ngoại giao y tế để xây dựng hình ảnh cường quốc có trách nhiệm với thế giới. Báo này hồi đầu tuần trước còn khẳng định có thông tin TQ đang tích cực tìm cách tiếp cận các quan chức cấp cao Đức để “nói tốt” cho Bắc Kinh trong cách thức xử lý dịch COVID-19.

Mặt còn lại, TQ tổ chức các chiến dịch truyền thông quy mô lớn nhằm phản pháo các cáo buộc của phương Tây. Đơn cử, Hoàn cầu thời báo trong xã luận ngày 18-4 đã chỉ trích việc Mỹ quy trách nhiệm cho TQ phát tán COVID-19 là động thái “giữ mặt” để không mất điểm trước cử tri và cộng đồng quốc tế. Tờ này cũng khẳng định đây là hành động nhằm kìm hãm đà phát triển của TQ trong lúc vị thế của Mỹ lẫn phương Tây ngày càng suy yếu.

Nga diễn biến xấu, châu Âu cẩn trọng mở cửa kinh tế

Tờ The Moscow Times tối 19-4 (giờ Việt Nam) dẫn số liệu chính thức cho biết Nga trong 24 giờ qua ghi nhận hơn 6.000 người nhiễm COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 43.000 người. Số ca tử vong cũng tăng 48 trường hợp, lên hơn 360 người. Dù vậy, Tổng thống Vladimir Putin cùng ngày vẫn tuyên bố dịch COVID-19 trong nước vẫn đang trong tầm kiểm soát. Thời gian tới, Nga sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm nước ngoài và tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, đặc biệt là ở những vùng trọng điểm như thủ đô Moscow.

Trong khi đó, số ca tử vong toàn khu vực châu Âu cùng ngày đã vượt mốc 100.000 người, chiếm gần 2/3 tổng số nạn nhân toàn cầu. Nhiều nước ở đây rục rịch mở cửa kinh tế để giảm thiểu thiệt hại thời gian qua. Đài CNN cho biết hơn 14 quốc gia đang dần nới lỏng các hạn chế, hơn 20 quốc gia (gồm Anh, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Hy Lạp...) vẫn đang áp dụng lệnh phong tỏa hoặc hạn chế đi lại và hai quốc gia không áp dụng lệnh phong tỏa là Thụy Điển và Belarus. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm