Mỹ vừa triển khai siêu tàu sân bay USS Ronald Reagan - siêu tàu sân bay thứ ba trong vòng bốn tháng qua đến tuần tra biển Đông. Trước tàu USS Ronald Reagan, Mỹ đã triển khai hai tàu sân bay đến tuần tra biển Đông.
Siêu tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan lớp Nimitz dài 335 m, nặng 97.000 tấn, có khả năng chở hơn 70 máy bay, 5.500 quân nhân, phi công, thủy thủ cập vịnh Manila (Philippines) ngày 26-6. Tàu USS Ronald Reagan được trang bị tên lửa Sea Sparrow, tên lửa đánh chặn tầm ngắn RAM, nhiều loại súng và thiết bị chiến tranh điện tử.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan thời điểm cách vịnh Manila 30 phút ngày 26-6. Ảnh: RAPPLER
Khi tàu cập bến, nhiều nhà báo Philippines và quốc tế được mời lên boong tàu tham quan. Phát biểu trước các nhà báo trên boong tàu, Chuẩn Đô đốc Marc Dalton - chỉ huy tàu USS Ronald Reagan cho biết tàu vừa thực hiện hoạt động tuần tra thường lệ ở biển Đông trước khi cập bến vịnh Manila.
“Cuộc tuần tra đã lên lịch trước này là một phần hoạt động rèn luyện của chúng tôi, nằm trong nội dung chiến dịch chúng tôi thực hiện thường xuyên ở khu vực trong 70 năm qua” - Chuẩn Đô đốc Dalton nói.
Ông Dalton cho biết cuộc tuần tra biển Đông và chuyến thăm Philippines của tàu USS Ronald Reagan thể hiện sự gắn kết của Mỹ với khu vực.
“Các nước lo ngại về cam kết của Mỹ có thể vin vào sự hiện diện của tàu USS Ronald Reagan như một sự bảo đảm. Chúng tôi đã triển khai các lực lượng hải quân ở Thái Bình Dương cả bảy thập niên… Đây là sự hiện diện lâu dài và chiến dịch lâu dài và sẽ không thay đổi” - theo ông Dalton.
Chuẩn Đô đốc Marc Dalton - chỉ huy tàu USS Ronald Reagan phát biểu từ boong tàu ngày 26-6. Ảnh: FOX NEWS
“Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực hỗ trợ khả năng bảo vệ nước Mỹ cũng như các đồng minh, tăng khả năng bảo vệ tự do trên biển, tự do thương mại, ngăn chặn xung đột, ép buộc, tăng cường gắn kết trật tự thế giới dựa trên luật pháp” - ông Dalton nói.
Mỹ thời gian qua báo động về việc Trung Quốc triển khai tên lửa chống tàu, đất đối không, đài nhiễu âm và nhiều thiết bị quân sự khác ra các đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép ra quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), đưa máy bay ném bom ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Mỹ luôn khẳng định sẽ bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải ở biển Đông.
Theo ông Dalton, ngày 26-6, hành động của Trung Quốc không ngăn cản được Mỹ lưu thông trên các vùng biển quốc tế.
“Hải quân Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra thường xuyên và chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động này” - ông Dalton nói trước các nhà báo.
Thủy thủ Mỹ đứng bên cạnh các máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornets đậu trên tàu sân bay USS Ronald Reagan cập vịnh Manila (Philippines) ngày 26-6. Ảnh: AFP
Tháng trước, tàu tuần dương tên lửa Antietam và một tàu khu trục nữa - một phần của đội tàu tác chiến sân bay USS Ronald Reagan, đã tuần tra biển Đông khiến Trung Quốc phản ứng mạnh.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đầu tháng này, việc chính phủ Trump gần đây quyết định không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia vòng tròn Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC) năm nay là “phản ứng đầu tiên” của Mỹ với hoạt động Trung Quốc trên các đảo ở biển Đông. Theo ông Mattis, hành động này của Mỹ chỉ là một “hậu quả nhỏ, tôi nghĩ tương lai sẽ còn có những hậu quả lớn hơn”.
Đây là lần đầu tiên tàu USS Ronald Reagan đến Philippines. Chuẩn Đô đốc Dalton cho biết tàu sẽ ở lại Philippines bốn ngày. Theo ông Dalton, lý do hàng đầu tàu USS Ronald Reagan có mặt ở Philippines là để các thủy thủ trải nghiệm, giao lưu với các thủy thủ và người dân Philippines. Nhiều thủy thủ trên tàu USS Ronald Reagan có quan hệ cá nhân ở Philippines, khi hơn 100 thủy thủ trên tàu là người Mỹ gốc Philippines.