Trước chuyến thăm Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trong tuần này, cuối tuần rồi Thủ tướng Nga Vladimir Putin có buổi trả lời phỏng vấn ba đài truyền hình tiếng Ả Rập: RT Arabic, Al Arabiya, Sky News Arabia.
Trong bài 1, PLOđã đăng tải phần trả lời phỏng vấn của ông Putin về chính sách của Nga với Trung Đông. Nội dung bài 2 tập trung vào chính sách và quan hệ của Nga với Mỹ, và nguy cơ phát sinh cuộc chạy đua vũ trang mới liên quan đến việc mở rộng hiện diện của Mỹ và NATO - khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Vẫn lo ngại về cán cân an ninh chiến lược toàn cầu
RT Arabic đặt câu hỏi liệu ông Putin có theo dõi các phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter, và có bất kỳ hy vọng nào về khả năng cải thiện quan hệ giữa Nga với Mỹ hay không. Ông Putin nói rõ ông không có bất kỳ tài khoản Twitter nào nên không hề theo dõi ai nhưng dĩ nhiên ông có nghe báo cáo lại về các phát ngôn của ông Trump. Theo ông Putin, quan điểm của ông Trump luôn quan trọng với nhiều nước nếu không muốn nói là cả thế giới.
RT Arabic hỏi thêm liệu Nga có sẵn sàng khôi phục đối thoại nếu ông Trump tái đắc cử nhiệm kỳ tới. Ông Putin đùa rằng vì câu hỏi này của nhà báo RT Arabic mà Nga có thể sẽ bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ để ông Trump được bầu lại.
Theo ông Putin, từ khi còn tranh cử ông Trump đã chủ trương cải thiện quan hệ với Nga nhưng đến giờ vẫn không làm được điều này, và lý do là vì vướng xung đột chính trị nội bộ Mỹ. Về tương lai, ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với bất kỳ chính phủ nào muốn hợp tác với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) từng có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tại Helsinki (Phần Lan) năm 2018. Ảnh: POLITICO
Tuy nhiên ông Putin nói ông vẫn lo ngại về cán cân an ninh chiến lược toàn cầu. Năm 2002, Mỹ rút khỏi hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM - được ký giữa Mỹ và Liên bang Xô viết năm 1972) - nền tảng của toàn bộ hệ thống an ninh chiến lược toàn cầu, vì hiệp ước này hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa ở nước tham gia. Ý nghĩa của hiệp ước này là nhằm khiến cho không bên nào có thể thắng được một cuộc chiến tranh hạt nhân, nếu nó xảy ra. Mỹ rút khỏi hiệp ước này nhằm có được một số lợi thế chiến lược quan trọng cho mình, với suy nghĩ họ có thể tự bảo vệ mình khỏi đe dọa, không như Nga. Trong khi Mỹ sẽ được hệ thống ABM bảo vệ thì không có hiệp ước này Nga sẽ rơi vào thế rất dễ tổn thương.
Ông Putin nói lúc đó ông có lên tiếng ngăn cản Mỹ không nên đổ hàng chục tỉ USD phát triển hệ thống ABM. Nhưng bản thân Nga cũng phải hành động để duy trì cán cân chiến lược, với việc phát triển các vũ khí tấn công có thể đánh bạo mọi hệ thống ABM. Và Nga đã làm điều này.
Hệ thống ABM được thiết kế đánh chặn tên lửa đạn đạo, và Nga đã cải tiến nhanh tên lửa đạn đạo và đã phát triển được một loại vũ khí không có đối thủ trên thế giới. Ngày nay, không nước này có tên lửa siêu vượt âm, ngoài Nga, theo ông Putin.
Ông Putin thừa nhận rồi đây các nước sớm muộn cũng sẽ phát triển được loại vũ khí này, nhưng lúc đó thì Nga đã tiến xa hơn. Theo ông Putin, đó là một thực tế chạy đua vũ trang đáng buồn, nhưng Nga không thể tránh được.
Về việc Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa hai nước bị sụp đổ vài tháng trước, ông Putin cho rằng đây là sai lầm phía Mỹ. Ông Putin thừa nhận các quan ngại của Mỹ rằng trong khi các nước khác tự do phát triển khả năng quốc phòng của mình thì Nga và Mỹ bị trói tay với hiệp ước này. Tuy nhiên, ông Putin vẫn cho rằng điều đó không đáng để phá bỏ hiệp ước.
Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START - giới hạn số đầu đạn và bom hạt nhân chiến lược, giới hạn số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng) hiện là hiệp ước duy nhất ngăn Mỹ và Nga quay lại một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện, theo ông Putin. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào năm 2021. Và ông Putin kêu gọi đối tác Mỹ bắt tay bàn bạc ngay chuyện gia hạn hiệp ước. Ông Putin cho biết đã gửi đề xuất cho chính phủ Mỹ nhưng chưa thấy trả lời, và Nga hiểu rằng Mỹ chưa quyết định có gia hạn hiệp ước hay không. Theo ông Putin, nếu hiệp ước không được gia hạn thì thế giới sẽ không còn phương cách nào để hạn chế vũ khí chiến lược và tình hình sẽ thay đổi trên toàn cầu. Thế giới sẽ thiếu ổn định, thiếu an toàn hơn và khó lường hơn lúc này.
Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START) được ký kết giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (phải) tại Prague (Cộng hòa Czech) năm 2010. Ảnh: AP
Al Arabiya đặt câu hỏi liệu ông Putin có nghĩ một cuộc chạy đua vũ trang mới có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh lạnh khác không. Ông Putin nói hy vọng điều này không xảy ra nhưng nếu nó xảy ra thì Nga sẽ là nên ít bị ảnh hưởng nhất, vì đã sở hữu được thế hệ vũ khí tiếp theo với khả năng chưa có tiền lệ và không thể theo kịp.
Ông Putin cũng nhắc đến vai trò của chi tiêu quân sự. Dù Nga đang đứng thứ 7 thế giới (48 tỉ USD), sau Mỹ (716 tỉ USD), Trung Quốc (177 tỉ USD), Saudi Arabia (59 tỉ USD), Anh, Pháp, Nhật, tuy nhiên Nga lại có năng lực quân sự không bì kịp. Nga sẽ không bị cuốn vào trò chơi tăng quá đáng ngân sách chi tiêu quân sự, ông Putin khẳng định.
Đối phó NATO
Al Arabiya đặt câu hỏi liệu ông Putin có cảm thấy việc NATO tăng cường hiện diện ở biên giới với Nga là một đe dọa, và Nga sẽ phản ứng thế nào. Ông Putin thừa nhận Nga không hài lòng với việc này và theo ông NATO chỉ là một công cụ chính sách đối ngoại của Mỹ.
Một nước khi đồng ý gia nhập NATO thì không được nói không với việc để NATO triển khai vũ khí trên lãnh thổ mình, như trường hợp Romania vừa nhận triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa, và tới đây là Ba Lan. Đây chắc chắn là một đe dọa với Nga khi các vũ khí này được triển khai rất gần biên giới Nga. Theo ông Putin, Nga xem đó là một âm mưu nhằm vô hiệu hóa năng lực hạt nhân chiến lược của Nga, tuy nhiên âm mưu này đã thất bại. Nga có các hệ thống vũ khí hàng đầu để ngăn chặn đe dọa này.