Indonesia tiếp tục là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á, chiếm tới hơn 60% số ca nhiễm COVID-19 mới ở khu vực trong ngày 14-7. Trong khi đó Singapore tái bùng dịch, Malaysia và Myanmar ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ đầu dịch. Nhiều nước ghi nhận tình trạng tử vong tăng.
Du thuyền gần 2.900 người ở Singapore có ca nhiễm COVID-19
Ngày 14-7, Singapore ghi nhận thêm 60 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 56 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất kể trong 10 tháng qua. Tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này là 62.804, bao gồm 36 trường hợp tử vong.
Các ca nhiễm mới kể từ đầu tuần này chủ yếu liên quan tới một chuỗi quán karaoke. Hôm 12-7, Singapore báo cáo 3 ca nhiễm liên quan tới chuỗi quán karaoke này. Ngày 13-7, chín ca nhiễm mới được phát hiện thuộc ổ dịch và trong ngày 14-7, số ca nhiễm mới liên quan là 42.
Du thuyền World Cruise trở về Trung tâm du thuyền vịnh Marina (Singapore). Ảnh: THE STRAITS TIMES
Giới chức Singapore cho biết ca nhiễm đầu tiên tại ổ dịch là một phụ nữ người Việt có giấy phép cư trú ngắn hạn tại Singapore làm nghề tiếp viên quán karaoke. Người này thấy không khỏe và tự đi khám hôm 11-7.
Một hành khách trên du thuyền World Dream (chở theo gần 2.900 người, gồm cả thủy thủ đoàn) được xác định nhiễm COVID-19 và liên quan tới ổ dịch chuỗi quán karaoke trên, buộc con tàu phải về cảng ngay trong sáng 14-7.
Hôm 14-7, cảnh sát Singapore đã bắt giữ 20 phụ nữ ngoại quốc và xử lý ba quán karaoke vì vi phạm các quy định phòng dịch COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhấn mạnh rằng Singapore đã nhận thấy bài học từ nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các hoạt động kinh tế về đêm ở Hàn Quốc hay Hong Kong nên cấm các hoạt động tương tự trong hơn một năm qua. Ông Ong “thất vọng” vì kịch bản tương tự lại xảy ra ở Singapore do hành vi của một nhóm người bất chấp các quy định phòng dịch.
‘Indonesia đã là tâm dịch của châu Á’
Số ca nhiễm COVID-19 mới theo ngày tại Indonesia tiếp tục tăng, lần đầu tiên vượt mức 50.000. Ngày 14-7, Indonesia báo cáo thêm 54.517 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại nước này lên hơn 2,67 triệu.
Trong đó, 69.210 bệnh nhân đã không qua khỏi. Riêng trong ngày 14-7, số bệnh nhân tử vong được báo cáo là 991 - mức cao thứ ba kể từ đầu đại dịch.
Tình trạng tương tự Ấn Độ của vài tháng trước như hệ thống y tế quá tải, khan hiếm oxygen y tế, người mắc COVID-19 chết trước khi được nhập viện… đang tái diễn tại Indonesia.
Ông Dicky Budiman, chuyên gia dịch tễ người Indonesia công tác tại Đại học Griffith (Úc) lo ngại “Indonesia có thể trở thành tâm điểm của đại dịch và nước này đã là tâm dịch của châu Á”, theo đài ABC (Úc). Ông Budiman lưu ý rằng Ấn Độ có quy mô dân số lớn hơn nhiều nên dịch bệnh tại quốc gia Nam Á nghiêm trọng hơn.
Malaysia: 2 ngày liền số nhiễm mới vượt mức 11.000
Ngày 14-7, Malaysia báo cáo thêm 11.618 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên thành 867.567. Trong đó, 6.503 bệnh nhân không qua khỏi, bao gồm 118 trường hợp tử vong được báo cáo hôm 14-7.
Như vậy, chỉ chưa đầy một tuần, số ca nhiễm mới theo ngày tại Malaysia đã bốn lần chạm các ngưỡng mới. Trước tháng 7, số ca nhiễm mới trong 24 giờ cao nhất là 9.020 (báo cáo ngày 29-5) nhưng con số này đã tăng lên 9.180 ca (ngày 9-7), 9.353 ca (ngày 10-7) và 11.079 ca (ngày 13-7) nhiễm mới.
Nhân viên y tế Malaysia khử trùng thi thể người chết vì COVID-19 trước khi mai táng. Ảnh: THE STRAITS TIMES
Tổng Giám đốc Cơ quan y tế Malaysia - ông Noor Hisham Abdullah - cho biết số ca nhiễm mới tăng là do Malaysia đã tăng cường năng lực xét nghiệm. Chỉ trong ngày 13-7, nước này đã thực hiện 131.700 lượt xét nghiệm COVID-19, mức cao nhất trong nửa tháng qua.
Ông Noor Hisham nhấn mạnh rằng vaccine là giải pháp để Malaysia vượt qua đại dịch và kêu gọi người dân đi tiêm ngừa COVID-19. Tính tới ngày 14-7, Malaysia đã triển khai 18,16 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Gần 5,03 triệu người khác đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Số nhiễm mới, tử vong mới tại Myanmar chạm ngưỡng mới
Ngày 14-7, Myanmar ghi nhận thêm 7.089 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh đã được phát hiện tại nước này lên 208.357. Tổng cộng 4.181 bệnh nhân COVID-19 tại Myanmar đã tử vong, gồm 145 trường hợp được báo cáo hôm 14-7, theo đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV.
Ngày 14-7 đánh dấu số ca nhiễm COVID-19 mới và tử vong mới cao nhất tại Myanmar.
Theo hãng tin AFP, Trung Quốc sẽ chuyển cho Myanmar 6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, bao gồm 4 triệu liều được đặt mua và 2 triệu liều viện trợ. Lô đầu tiên gồm 1 triệu liều sẽ được chuyển tới Myanmar trong tuần cuối cùng của tháng 7.
Giới chức Myanmar cho biết trong số 54 triệu dân nước này, khoảng 1,75 triệu người đã được tiêm vaccine.
Số ca tử vong vẫn tăng ở Philippines, Thái Lan, Campuchia, Lào
Trong ngày 14-7, sáu nước Đông Nam Á còn lại (không tính Việt Nam) báo cáo tổng cộng hơn 14.000 ca nhiễm mới và 272 trường hợp tử vong mới, theo chuyên gia thống kê worldometers.info. Hầu hết các nước chưa báo cáo số liệu ngày 15-7.
Philippines báo cáo 3.806 ca nhiễm mới và 140 ca tử vong mới. Tổng số người mắc COVID-19 tại nước này là 1.485.457, bao gồm 26.232 trường hợp đã tử vong.
Thái Lan ghi nhận thêm 9.186 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 372.215. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan là 3.032, gồm 98 trường hợp được báo cáo hôm 14-7.
Campuchia hôm 14-7 báo cáo thêm 915 ca nhiễm COVID-19 và 33 ca tử vong mới. Trưa 15-7, Campuchia tiếp tục ghi nhận 996 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại nước này lên 64.611. Tổng số ca tử vong là 1.025, bao gồm 39 trường hợp mới được báo cáo hôm 15-7.
Ngày 14-7, Timor-Leste báo cáo 54 ca nhiễm mới và không có trường hợp tử vong mới. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 9.960, bao gồm 25 trường hợp đã không qua khỏi.
Lần đầu tiên sau hơn 1 tháng rưỡi, Lào đã báo cáo thêm một ca tử vong vì COVID-19. Ngày 14-7, Lào cũng báo cáo thêm 116 ca nhiễm, nâng tổng số người mắc bệnh lên 3.092, trong đó 4 trường hợp đã tử vong.
Brunei không phát hiện ca nhiễm mới hôm 14-7. Tổng số ca mắc COVID-19 tại vương quốc này là 282, hầu hết là các trường hợp người nhập cảnh, trong đó ba bệnh nhân đã không qua khỏi.