Dịch ĐNA: Malaysia phong tỏa toàn quốc từ hôm nay

Dịch COVID-19 tại các nước Đông Nam đang diễn biến theo các hướng khác nhau. Malaysia đã trở thành tâm dịch mới của khu vực, dịch tại Thái Lan và Philippines vẫn còn nghiêm trọng, trong khi Singapore đã tính tới chuyện nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Trong ngày 31-5, 11 nước Đông Nam Á công bố tổng cộng 25.739 ca nhiễm mới và 373 ca tử vong mới vì COVID-19. Tổng số ca nhiễm trong khu vực là 4.036.396, bao gồm 78.904 trường hợp đã tử vong, theo chuyên trang thống kê worldometers.com.

Malaysia: Thủ tướng Muhyiddin Yassin hôm 31-5 đã công bố một gói kích thích kinh tế mới trị giá 40 tỉ ringgit (hơn 223,5 ngàn tỉ đồng) để giảm nhẹ tác động của lệnh phong tỏa toàn quốc sắp có hiệu lực, theo trang tin Channel News Asia

Một chốt kiểm soát phòng dịch COVID-19 tại Malaysia. Ảnh: EPA-EFE

Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, ông Muhyiddin cho biết chương trình này hướng tới việc gia tăng năng lực điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại các bệnh viện công, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động, hỗ trợ người dân. Trong đó, 2,1 tỉ ringgit (hơn 11,7 ngàn tỉ đồng) hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp (dưới mức 5.000 ringgit - gần 28 triệu đồng mỗi tháng).

Trước đó, Malaysia đã công bố sáu gói kích thích kinh tế khác liên quan tới COVID-19 với tổng giá trị 340 tỉ ringgit (hơn 1,9 triệu tỉ đồng).

Lệnh phong tỏa toàn quốc của Malaysia đã bắt đầu từ ngày 1-6 và sẽ kéo dài hai tuần. Hôm 23-5, ông Muhyiddin đã thừa nhận nguy cơ đối với nền kinh tế nước này, song nhấn mạnh việc phong tỏa là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân.

Hôm 29-5, Malaysia đã công bố 9.020 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở nước này. Số ca nhiễm mới được báo cáo trong ngày 30-5 và 31-5 đã giảm xuống dưới 7.000 ca. Tính đến ngày 31-5, Malaysia đã công bố 572.357 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.796 trường hợp đã tử vong.

Hôm 31-5, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết trong số các ca nhiễm COVID-19 đã được báo cáo tại nước này, 82.341 trường hợp (gần 14,4%) là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, chưa có ca bệnh nào trong số này cần đến phòng chăm sóc đặc biệt. 

Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) hôm 31-5. Ảnh: AP

Thái Lan: Chính phủ Thái Lan đã đảo ngược quyết định của giới chức thủ đô Bangkok về việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 khi mà thành phố này đang đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng nhất trong đại dịch COVID-19.

Dù vẫn là tâm dịch của Thái Lan, giới chức Bangkok đã quyết định mở cửa lại một số loại hình dịch vụ như massage, phòng khám và công viên từ ngày 1-6. Tuy nhiên, giới chức thủ đô Bangkok ngày 31-5 cho biết quyết định này đã bị chính quyền trung ương hủy bỏ. Lý do cụ thể không được công bố.

Ngày 31-5, Thái Lan báo cáo thêm 5.485 ca nhiễm COVID-19, gồm 1.356 trường hợp ở thủ đô Bangkok. Số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1.031.

Chính phủ Thái Lan đang bị dân chúng chỉ trích vì tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 còn chậm. Chương trình tiêm chủng tại nước này đang phụ thuộc vào hai loại vaccine của AstraZeneca/Oxford (Anh) và của Sinovac (Trung Quốc).

Tuần trước, Học việc Hoàng gia Chulabhorn của nước này đã công bố kế hoạch mua “vaccine thay thế” từ tập đoàn dược Sinopharm (Trung Quốc). Tập đoàn CP - doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Thái Lan - ủng hộ việc tìm các nguồn cung thay thế, cũng như mong muốn nhóm kinh tế tư nhân được tham gia vào quá trình tiêm chủng. 

Trẻ em từ 12-15 tuổi tại Singapore sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu từ tuần này. Ảnh: AFP

Singapore: Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 31-5 cho biết nếu số ca nhiễm mới trong cộng đồng tiếp tục giảm, nước này “nên” nới lỏng các biện pháp phòng dịch kể từ ngày 13-6.

Sau gần ba tuần Singapore áp dụng các lệnh hạn chế để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19, số ca nhiễm mới mỗi ngày tại nước này đã có xu hướng giảm. Ông Lý kêu gọi người dân “tiếp tục nỗ lực và cảnh giác”, thực hiện đúng các quy định phòng dịch.

Ông Lý nói rằng so với làn sóng COVID-19 đầu tiên hồi năm ngoái, Singapore đã xây dựng được năng lực truy vết và xét nghiệm “rất tiên tiến” nên tình hình đã “tốt hơn nhiều”. Tuy nhiên, trước mối đe dọa từ các biển thể virus mới nguy hiểm hơn, Singapore cần tăng cường xét nghiệm, truy vết và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.

Trong đó, ông Lý đặt mục tiêu đưa việc xét nghiệm COVID-19 trở thành hoạt động “định kỳ”, “thường xuyên, quy mô lớn, nhanh chóng” và là “một phần của sự bình thường mới” tại Singapore.

Singapore đã xúc tiến việc nhận các lô vaccine ngừa COVID-19 nhập khẩu và nhận được phản hồi tích cực từ các đối tác. Ông Lý muốn tận dụng kỳ nghỉ hè để tiêm vaccine cho trẻ em và học sinh, đồng thời khuyến khích người cao tuổi cũng nên đi tiêm chủng. 

Một điểm phong tỏa vì có ca nhiễm COVID-19 tại Philippines. Ảnh: AFP

Philippines: Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 31-5 tuyên bố kéo dài các lệnh hạn chế để phòng dịch COVID-19 tại một phần thủ đô Manila và các vùng lân cận. Các biện pháp phòng dịch sẽ tiếp tục có hiệu lực tới giữa tháng này.

Dịch COVID-19 tại Philippines có vẻ đã đạt đỉnh vào tháng 4. Trong tháng 5, trung bình số ca nhiễm mới theo ngày là khoảng 6.300, giảm 1/3 so với số liệu tương tự của tháng 4.

Để đạt được thành quả này, Philippines đã cấm các hoạt động di chuyển không cần thiết của người dân, giảm quy mô các hoạt động kinh tế và từ chối nhập cảnh đối với người đến từ các ổ dịch của thế giới như Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh…

Philippines đang là ổ dịch lớn thứ hai Đông Nam Á với số ca nhiễm và số ca tử vong chỉ xếp sau Indonesia. Tính đến ngày 31-5, nước này đã phát hiện 1.230.301 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 20.966 trường hợp đã tử vong.

Indonesia đã báo cáo tổng cộng 1.821.703 ca nhiễm COVID-19, bao gồm 50.578 trường hợp đã tử vong. Dù số ca tử vong mới vì COVID-19 tại Indonesia có ngày vẫn cao nhất Đông Nam Á, số ca nhiễm mới theo ngày tại nước này kể từ ngày 27-5 tới ngày 31-5 đều thấp hơn số liệu tương tự của Malaysia và Philippines.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm