Tính đến chiều 20-3 (theo giờ Việt Nam), Anh ghi nhận 3.269 ca nhiễm COVID-19 với 144 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Ý có 41.035 người nhiễm và 3.405 người chết.
Theo tờ The Telegraph, dù so với Ý hiện tổng số người chết ở Anh vẫn thấp hơn nhưng mức tăng số ca tử vong hằng ngày ở Anh lại cao hơn ở Ý.
Nhân viên y tế tại khu cách ly một bệnh viện ở thủ đô London, Anh ngày 12-3. Ảnh: BBC
Theo số liệu mới nhất, mức tăng số ca tử vong trung bình hằng ngày ở Anh hiện ở mức 50%, gần với mức của Tây Ban Nha (49%).
Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 vào ngày 5-3 và đến ngày 14-3 thì số ca tử vong mới tăng lên 10 người. Hai hôm sau, số ca tử vong mới vọt lên 20, con số này tiếp tục tăng gấp đôi lên 40 ca vào ngày 19-3.
Trong khi đó, Ý ban đầu ghi nhận mức tăng ca tử vong trung bình hằng ngày là 35%, song đã giảm xuống 19% trong tuần qua. Số ca tử vong cao nhất trong một ngày ở Ý là 475 người hôm 18-3.
Điều này đặt ra sự cần thiết ngăn chặn dịch bệnh lây lan trước khi hệ thống y tế Anh bị quá tải và không thể đối phó.
Quay lại tình hình ở Ý, dù đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, mức tăng số ca tử vong mỗi ngày ở nước này vẫn rất cao và không có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc.
Khi Trung Quốc ở giai đoạn như Ý hiện nay, tức 23 ngày sau khi ghi nhận cái chết thứ 10, mức tử vong mỗi ngày trung bình tăng chỉ vào khoảng 23%. Với sự gia tăng tiếp tục theo cấp số nhân, Ý đã chính thức vượt qua đại lục về số ca tử vong do COVID-19 (3.405 người so với 3.248 người tính đến trưa 20-3).
Một chi tiết đáng lưu ý, Trung Quốc đến nay xác nhận hơn 80.000 ca nhiễm, trong khi Ý là hơn 41.000, đồng nghĩa với việc tỉ lệ tử vong tính trên số ca nhiễm ở mỗi nước khác nhau. Hiện tỉ lệ tử vong trên số ca nhiễm của Ý là 8,3%, trong khi tỉ lệ này tại Trung Quốc xấp xỉ 4%.
Theo The Telegraph, hiện mới chỉ có vài quốc gia vượt qua được đỉnh dịch trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu đang đối mặt với tốc độ tăng đến chóng mặt các ca nhiễm và tử vong.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm đạt đỉnh vào tuần trước với gần 7.500 trường hợp. Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn cho khoảng 250.000 người và trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm đã giảm hơn 8%.
Trên bình diện châu Âu, số ca nhiễm đang tăng lên. Những quốc gia bùng phát dịch nghiêm trọng như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức vẫn chưa tìm ra biện pháp hiệu quả để giảm thiểu số ca nhiễm và kìm hãm tốc độ lây lan của virus.