Microsoft và Zoom đã tiếp bước các công ty công nghệ lớn khác khi quyết định tạm dừng cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của chính quyền Hong Kong, sau khi Trung Quốc áp dụng luật an ninh mới tại đặc khu này.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 7-7, Microsoft và Zoom cho biết sẽ ngưng việc cung cấp dữ liệu cho các quan chức hoặc lực lượng cảnh sát ở Hong Kong.
Đây là biện pháp được Facebook, Google và Twitter thực hiện trước đó nhằm chờ thêm các đánh giá về mức độ ảnh hưởng của luật an ninh quốc gia do Trung Quốc áp đặt lên Hong Kong.
"Bất cứ bộ luật mới nào được ban hành, chúng tôi cũng sẽ đều xem xét thật kỹ để hiểu ý nghĩa và ảnh hưởng của nó đối với các hoạt động của chúng tôi" - phát ngôn viên Microsoft trả lời hãng tin AP khi được hỏi về động thái này.
“Trước đây chúng tôi thường nhận được khá ít số lượng yêu cầu cung cấp thông tin từ chính quyền Hong Kong, và hiện tại chúng tôi đã tạm dừng việc này để có thể đánh giá kỹ hơn luật an ninh mới".
Microsoft ngày 7-7 quyết định ngừng cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hong Kong. Ảnh: AP
Zoom - ứng dụng hội nghị trực tuyến phát triển mạnh trong suốt đại dịch COVID-19 - cho biết đang theo dõi tình hình ở Hong Kong và tìm kiếm hướng dẫn từ chính phủ Mỹ.
"Zoom luôn ủng hộ việc trao đổi thông tin một cách tự do và cởi mở, cả về suy nghĩ lẫn ý tưởng. Vì vậy, chúng tôi đã ngưng xử lý mọi yêu cầu dữ liệu liên quan đến đặc khu hành chính Hong Kong" - đại diện Zoom cho hay.
Trước đó hôm 6-7, mạng xã hội Facebook, Twitter và ứng dụng nhắn tin WhatsApp đã tuyên bố chấm dứt việc cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Hong Kong và các cơ quan thực thi pháp luật ở đặc khu này.
Một ứng dụng nhắn tin khác tên Telegram - có trụ sở tại London (Anh) - cũng chia sẻ rằng chính quyền Hong Kong đã yêu cầu hãng công nghệ này cung cấp thông tin người dùng cho họ trong trường hợp có yêu cầu, song Telegram đã từ chối.
Zoom cho biết họ đang theo dõi tình hình ở Hong Kong và tìm kiếm hướng dẫn từ chính phủ Mỹ. Ảnh: AP
Kể từ khi thông qua luật an ninh mới, một số người dân Hong Kong đã tiến hành bảo vệ tài khoản mạng xã hội của họ và xóa lịch sử trò chuyện.
Nhiều người đã lên Twitter và các nền tảng truyền thông xã hội khác để cập nhật thông tin hoặc chia sẻ các mẹo an toàn khi sử dụng internet tại Hong Kong.
Các ứng dụng VPN chuyên cung cấp đường truyền ảo (giúp truy cập internet an toàn và bí mật hơn) cũng báo cáo sự tăng đột biến về số lượt tải về tại Hong Kong, kể từ khi Bắc Kinh công bố luật an ninh mới.
Trước đó, vào ngày 30-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật an ninh dành cho Hong Kong. Toàn bộ 162 thành viên của ủy ban đã nhất trí thông qua luật trên, có hiệu lực từ ngày 1-7.
Theo SCMP, những người vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động khủng bố, ly khai, lật đổ hoặc câu kết với nước ngoài chống lại lợi ích quốc gia của Hong Kong và Trung Quốc có thể chịu khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.