Ngày 25-4, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này sẽ không cho phép bất kỳ nước nào chiếm vị trí của mình trên thị trường dầu quốc tế.
“Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không cho phép bất kỳ nước nào thay thế Iran trên thị trường dầu”, hãng tin Fars dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biêt.
Ông Mousavi chỉ trích trừng phạt của Mỹ là “bất hợp pháp, tàn nhẫn và mang tính bắt nạt”, đồng thời nói Iran “hy vọng các nước mua dầu Iran đã lên tiếng phản đối bước đi đơn phương này cũng sẽ có hành động”.
Trung Quốc, khách hàng nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, đã ra một công hàm phản đối chính thức gửi đến Mỹ về quyết định chấm dứt lệnh hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu Iran. Tuy nhiên, theo thông tin của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih thì Trung Quốc chưa đề nghị mua thêm dầu.
Bộ Ngoại giao Iran. Ảnh: SPUTNIK
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục trừng phạt nước này từ tháng 11-2018.
Lúc này, Mỹ vẫn cho phép tám nước nhập khẩu dầu nhiều nhất từ Iran được mua lượng dầu có giới hạn từ Iran mà không phải chịu trừng phạt thứ phát từ Mỹ. Quyết định này sẽ hết hiệu lực vào ngày 2-5 tới và Mỹ đã quyết định sẽ không gia hạn thêm lệnh hoãn trừng phạt này.
Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết Tổng thống Trump tự tin các đồng minh Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ tăng sản lượng khai thác để bù vào lượng dầu Iran không thể tiếp cận thị trường, đảm bảo ổn định giá dầu không tăng.
Một nhà máy lọc dầu của Iran. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo hãng tin Sputnik, có thông tin một số nước xuất khẩu dầu Ả Rập như Saudi Arabia và UAE đã hoan nghênh quyết định của Mỹ.
Trong phát ngôn ngày 25-4, người phát ngôn Mousavi chỉ trích quyết định này của Mỹ, cảnh cáo Mỹ cũng như các nước Ả Rập đứng về phía Mỹ trong quyết định này sẽ phải chịu trách nhiệm.
“Mỹ và các nước làm việc này sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ hậu quả nào”, Sputnik dẫn lời ông Mousavi tuyên bố.