Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tấn công trực tiếp để tiêu diệt Thiếu tướng Qusem Soleimani của Iran đã làm Lầu Năm Góc “choáng váng”, báo The Washington Post đưa tin ngày 4-1.
Tướng Soleimani là chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ông là vị tướng có quyền lực bậc nhất và nhận được sự yêu quý của người dân và nhiều lực lượng ở Iran và cả khu vực Trung Đông.
Một bức ảnh từ hiện trường vụ không kích ở sân bay quốc tế Baghdad rạng sáng 3-1. Ảnh: STRIPES
Vài ngày trước khi Mỹ tiến hành không kích sân bay quốc tế Baghdad hôm 3-1, các quan chức quốc phòng ở Washington đã đề xuất nhiều phương án lên Tổng thống Trump.
Và trong số này có phương án tấn công tiêu diệt nhân vật “nguy hiểm tương đương thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”. Thực ra các tướng lĩnh đã đưa ra phương án tiêu diệt ông Soleimani dựa vào một tiền lệ được ngầm công nhận ở Lầu Năm Góc.
Cụ thể, kể từ vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 ở New York (2001), Bộ Quốc phòng Mỹ thỉnh thoảng áp dụng cách đề xuất cả những phương án không thể thực hiện để làm nổi bật một phương án nào đó. Khi đó, Tổng thống sẽ thiên về chọn phương án hòa bình hơn mà Lầu Năm Góc thực sự nhắm tới là khả thi và phải chịu ít chi phí hơn.
Thế nhưng cuối cùng Tổng thống Trump đã chọn phương án cực đoan nhất, bất chấp các cảnh báo từ lực lượng tình báo về nguy cơ đối với các cơ sở của Mỹ ở Trung Đông.
Một lý do nữa khiến Lầu Năm Góc không ưu tiên phương án này là vì các tin tức tình báo Mỹ có được liên quan đến khả năng thực hiện phương án này không rõ ràng. Một số cơ sở tình báo cho rằng ông Soleimani vừa thực hiện chuyến khảo sát thực tế ở Syria, Lebanon và Iraq để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn. Một luồng thông tin khác cho thấy chuyến đi đến Baghdad của vị tướng Iran là một “chuyến công tác bình thường”.
Lý do ông Trump chọn phương án tiêu diệt Tướng Soleimani, theo Washington Post vì ông bị tác động mạnh từ cuộc biểu tình và đốt phá ở Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad chỉ vài ngày trước đó. Mỹ cho rằng Tehran đã “"giật dây” cho những người ủng hộ nhóm dân quân Kata'ib Hezbollah tấn công vào cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ.
Cuộc tấn công của Mỹ trên lãnh thổ Iraq đã gây ra chia rẽ ở chính trường Mỹ và làm quan hệ Mỹ-Iran càng thêm căng thẳng.
Ngay sau vụ tấn công, hãng tin Fox News cho biết Quốc hội Mỹ chưa hề thông qua quyết định tấn công của Tổng thống Trump. Nhiều quan chức cấp cao cũng lên tiếng phản đối hành động liều lĩnh của ông Trump.
Trong khi đó, các lãnh đạo Iran, bao gồm cả Lãnh tụ tối cao - Đại giáo chủ Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani, đã thề sẽ trả thù cho cái chết của Thiếu tướng Soleimani.