Tờ South China Morning Post ngày 31-5 dẫn nguồn tin nội bộ quân đội Trung Quốc tiết lộ giới lãnh đạo nước này đã hoàn tất kế hoạch thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ năm 2010.
Theo đó, vùng ADIZ sẽ bao trùm khu vực quần đảo Đông Sa ở Đông Bắc Biển Đông và hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc im lặng chờ thời cơ tới
Nguồn tin của South China Morning Post cho hay hiện vẫn chưa rõ thời điểm Bắc Kinh sẽ chính thức công bố kế hoạch lập ADIZ Biển Đông. Ngày 4-5, lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Đài Loan Yen Te-fa xác nhận Trung Quốc đang có kế hoạch thiết lập ADIZ ở Biển Đông.
Tàu sân bay Liêu Ninh và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đang tập trận ở khu vực Biển Đông hồi tháng 1-2017. Ảnh: AFP
Nhiều chuyên gia nhận định nếu Bắc Kinh lập ADIZ ở Biển Đông ngay lúc này sẽ chẳng khác nào đổ thêm dầu vào căng thẳng giữa nước này với Mỹ cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN.
"Việc lập ADIZ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ giữa nước này với các nước Đông Nam Á, vốn cũng không tốt đẹp gì thời gian qua do Bắc Kinh liên tục có động thái khiêu khích và hung hăng trên thực địa", học giả Drew Thompson thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) bình luận.
Chuyên gia quân sự Đài Loan Lu Li-Shih nhận định việc Bắc Kinh ngang nhiên bồi đắp, xây dựng trái phép đường băng và hệ thống radar trên các bãi đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thời gian qua đều là để phục vụ kế hoạch lập ADIZ.
Hình ảnh từ vệ tinh gần đây cũng cho thấy Bắc Kinh ngang nhiên điều hàng loạt máy bay cảnh báo sớm KJ-500, máy bay săn tàu ngầm KQ-200 và trực thăng đa nhiệm Z-8 ra bãi đá Chữ Thập.
Thực trạng quá trình quân sự hoá, cải tạo trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đến tháng 7-2019. Ảnh: DIGITAL GLOBE
Đồng quan điểm, một sĩ quan quân đội Trung Quốc về hưu tên Li Jie nói thêm rằng Bắc Kinh đang đợi thời cơ thích hợp sau khi đã xây dựng và lắp đặt hoàn tất các công trình và thiết bị cần thiết mới công bố việc thiết lập ADIZ.
Điều này đảm bảo Trung Quốc có đủ cơ sở hạ tầng và năng lực chiến đấu trong trường hợp các nước khác có ý phản đối. Dĩ nhiên, nếu thời cơ đến sớm hơn thì Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tiến độ lập ADIZ.
ADIZ Biển Đông khác gì với ADIZ Hoa Đông?
Một điều khá rõ là kế hoạch này được soạn thảo cùng lúc với kế hoạch lập ADIZ ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh đưa vào thực thi vào năm 2013.
Động thái tuyên bố lập ADIZ ở biển Hoa Đông ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng quốc tế. Lý do ADIZ của Trung Quốc ôm cả toàn bộ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật và bãi đá ngầm Socotra đang tranh chấp với Hàn Quốc (Bắc Kinh gọi là Tô Nham Tiêu còn Seoul gọi là Ieodo).
Cả hai nước này cũng tuyên bố ADIZ của Trung Quốc vô giá trị và kêu gọi các công ty tư nhân lẫn các quốc gia khác không cần tuân theo.
Tuy nhiên, một vấn đề mà chắc chắn Bắc Kinh cũng phải nhận ra là Biển Đông rộng hơn biển Hoa Đông rất nhiều nên nếu muốn lập ADIZ ở đây thì Trung Quốc phải đổ thêm nguồn lực và nhân sự để tuần tra.
Một nguồn tin giấu tên cũng xác nhận với South China Morning Post rằng sở dĩ Bắc Kinh chần chừ chưa tuyên bố ADIZ Biển Đông là do còn nhiều lý do kỹ thuật, chính trị và ngoại giao mà nước này chưa giải quyết được.
"Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là quân đội Trung Quốc đến nay không có năng lực điều chiến đấu cơ để ngăn chặn máy bay nước khác tiếp cận Biển Đông. Khu vực này cũng lớn gấp nhiều lần biển Hoa Đông, qua đó đội chi phí duy trì ADIZ lên rất lớn”, nguồn tin này nói.