Malaysia điều tra cáo buộc nhân viên y tế dùng ống vaccine rỗng tiêm cho dân

Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Malaysia (CITF) hôm 19-7 cho biết đang hợp tác với cảnh sát và các lực lượng khác để điều tra cáo buộc các nhân viên y tế tiêm vaccine không đúng cách cho người dân, theo hãng tin AP.

Trong một thông báo được đăng trên tài khoản Twitter của mình, CITF tuyên bố họ đang xem xét các cáo buộc một cách nghiêm túc.

"Nếu thực sự xảy ra những vụ việc như vậy, CITF sẽ không ngần ngại chấm dứt hoạt động của các nhân viên y tế có liên quan và thực hiện các hành động kiên quyết dựa trên quy định của pháp luật” - theo thông báo của CITF.

Động thái trên diễn ra sau khi người dùng mạng xã hội ở nước này lan truyền những câu chuyện về sự cố mà họ gặp phải khi đi tiêm vaccine ngừa COVID-19, một trong số họ cho hay mình từng được tiêm bằng ống không chứa vaccine.

Nhân viên y tế lấy vaccine ngừa COVID-19 từ lọ. Ảnh: REUTERS

Theo CITF, trường hợp khiếu nại đầu tiên xảy ra vào ngày 17-7 tại một trung tâm tiêm chủng ở sân bay Sungai Petani thuộc bang Kedah, nơi tiêm chủng vacicne cho nhân viên lực lượng vũ trang và thành viên gia đình của họ.

CITF không tiết lộ rõ vi phạm gì đã xảy ra tại trung tâm tiêm chủng này, song cho biết các cá nhân liên quan đã được triệu tập để đưa ra lời giải thích của họ.

"Chúng tôi đã tiến hành các biện pháp kỷ luật đối với nhân viên tiêm chủng có liên quan" - CITF thông báo.

Hai vụ khiếu nại khác liên quan đến việc người dân bị tiêm ống vaccine rỗng hoặc vaccine giả xảy ra tại địa điểm tiêm chủng ở Trung tâm Triển lãm thương mại quốc tế Malaysia (MITEC) ở bang Selangor vào ngày 17-7 và Trung tâm Hội nghị Bangi vào ngày 18-7.

Theo đó, các nhân viên y tế đã lấy những ống kim tiêm được chuẩn bị sẵn với pít tông kéo xuống cuối trước đó để tiêm cho họ mà không hề lấy vaccine từ lọ ra.

Một nhân viên y tế Malaysia cầm một lọ vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac sản xuất, ngày 4-6. Ảnh: AP

Trên trang mạng xã hội Facebook, một người đàn ông kể lại việc mình được tiêm vaccine bằng một ống tiêm rỗng tại MITEC vào ngày 17-7. 

Người này cho biết khi anh hỏi nữ nhân viên y tế liệu cô có chắc chắn rằng mũi tiêm đã được thực hiện đúng cách hay không, nữ nhân viên y tế trả lời: "Có lẽ là đúng. Nếu anh muốn, tôi có thể tiêm lại cho anh một mũi khác”.

Người đàn ông nói rằng anh đã được tiêm một mũi tiêm khác, lần này với sự quan sát của anh, nữ nhân viên y tế mới lấy vaccine ra khỏi lọ và tiêm vào cánh tay anh ta.

"Tôi đang nêu vấn đề này vì nó có thể cực kỳ nguy hiểm nếu bạn không được tiêm chủng đúng cách trong khi bạn đang rất hạnh phúc khi nghĩ rằng mình đã được tiêm phòng" - người này chia sẻ.

Phản hồi lại vụ việc này, Giám đốc sở Y tế bang Selangor, Tiến sĩ Sha'ari Ngadiman, khẳng định việc này là "không thể xảy ra".

Trong tuyên bố hôm 8-7, ông Ngadiman khẳng định các trung tâm tiêm chủng tại bang này luôn đảm bảo tuân thủ các quy trình tiêm theo tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định. 

Nhân viên y tế Malaysia chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: REUTERS

Hơn 14 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm ở Malaysia kể từ khi đợt tiêm chủng quốc gia bắt đầu vào ngày 24-2. Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 4,5 triệu người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Theo CITF, để đảm bảo quy trình tiêm vaccine được diễn ra đúng quy tắc, nhân viên tiêm chủng có nhiệm vụ phải đưa các ống tiêm chứa đầy vaccine cho người dân kiểm tra trước khi tiêm.

Người dân được khuyến khích kiểm tra các ống tiêm trước và sau quá trình tiêm chủng. Điều này để đảm bảo rằng họ được tiêm với liều lượng vaccine thích hợp, AP đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm