Bộ Giáo dục Mỹ vừa đưa ra tuyên bố điều tra Đại học Harvard và Đại học Yale với cáo buộc không báo cáo “hàng trăm triệu USD quà tặng và hợp đồng có yếu tố nước ngoài” từ Trung Quốc và các nước khác, báo South China Morning Post ngày 13-2 đưa tin.
Theo đó, Washington đã yêu cầu các trường đại học và cao đẳng phải báo cáo những khoản tài trợ nước ngoài chưa được tiết lộ trong khoảng ba thập kỷ trước đó với tổng giá trị lên tới 6,5 tỉ USD (khoảng 151 ngàn tỉ đồng).
Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos cho biết Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục “yêu cầu các trường cao đẳng và đại học tuân thủ nghĩa vụ của mình” trong “vấn đề liên quan đến sự minh bạch” này.
Nhiều trường đại học danh giá của Mỹ, bao gồm Đại học Harvard và Đại học Yale, bị điều tra vì che giấu các khoản tài chính từ nước ngoài. Ảnh: HARVARD
Bà DeVos cho biết sau quá trình điều tra, Washington đã “phát hiện có quá nhiều điều được báo cáo không chính xác hoặc không được báo cáo”.
Theo Bộ Giáo dục Mỹ, rất nhiều khoản tài trợ ưu đãi trên có nguồn gốc từ các nước có quan hệ thù địch với Washington. Các quốc gia này có thể đang mong muốn “tạo ra quyền lực mềm, ăn cắp các dữ liệu nghiên cứu và phát triển nhạy cảm và độc quyền và các tài sản sở hữu trí tuệ khác, cũng như tiến hành tuyên truyền có lợi cho chính phủ mình”.
Trong đó, Đại học Yale có thể đã không báo cáo ít nhất 375 triệu USD (khoảng 8,7 ngàn tỉ đồng) quà tặng và hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Trường đại học này đã “không báo cáo bất kỳ khoản quà tặng và hợp đồng nào trong bốn năm qua”.
Còn Đại học Harvard cũng bị cho là thiếu “các biện pháp kiểm soát thể chế phù hợp đối với nguồn tiền từ nước ngoài” và “không báo cáo đầy đủ tất cả các khoản quà tặng và hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo yêu cầu của pháp luật”.
Báo The Wall Street Journal cho biết Đại học Harvard có 60 ngày để báo cáo bổ sung theo yêu cầu của chính quyền, trong đó các khoản tài chính liên quan đến Trung Quốc phải được báo cáo đặc biệt chi tiết.
Đại học Harvard và Đại học Yale xác nhận đã nhận được thông báo về các cuộc điều tra và tuyên bố hai trường này đang tuân thủ quyết định điều tra.
Giới học giả tỏ ra đồng tình với việc tăng cường các biện pháp bảo vệ trước những chương trình đầy tham vọng từ phía Trung Quốc nhằm mục đích thu thập các bí mật công nghệ và thương mại. Song họ cũng cảnh báo Mỹ sẽ tự làm suy yếu hoạt động trao đổi học thuật tự do của mình nếu không xử lý khéo léo vấn đề này.
Tuy nhiên, một nguồn tin nói với South China Morning Post rằng hầu hết các trường đại học cho rằng Bộ Giáo dục Mỹ đang chịu áp lực quá lớn từ Quốc hội: “Có vẻ như họ đang bị gây áp lực, do đó họ tiếp tục gây áp lực lên chúng tôi nhưng là một áp lực lớn hơn”.
Đầu năm 2019, một nhóm điều tra của Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề chính phủ của Thượng viện Mỹ đã gọi tài trợ từ nước ngoài là “lỗ đen” tại các trường học ở nước này. Nhóm điều tra cho rằng các trường đại học và cao đẳng thường xuyên không tuân thủ luật pháp về tài trợ nước ngoài và góp phần làm mất tự do học thuật.
Cuộc điều tra được tiến hành sau khi Giáo sư Charles M. Lieber, Trưởng khoa Hóa học và Sinh hóa của Đại học Harvard, bị các đặc vụ FBI bắt giữ do cáo buộc che giấu tiền tài trợ từ chính phủ Trung Quốc với giá trị lên đến 8 triệu USD (186 tỉ đồng).
Cáo buộc của ông Lieber còn liên quan tới “Kế hoạch Nghìn nhân tài” của chính quyền Bắc Kinh, một chương trình tuyển dụng các nhà khoa học quốc tế hàng đầu để hưởng lợi từ các kết quả nghiên cứu khoa học và kỹ thuật từ những người này.