Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 25-7 yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không đưa hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mua từ Nga vào hoạt động.
"Có thể sẽ có nhiều biện pháp trừng phạt hơn nhưng thật lòng mà nói, những gì chúng tôi muốn là S-400 không được đưa vào hoạt động. Đó là mục tiêu của chúng tôi. Đó là những gì chúng tôi đang nói chuyện với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều tháng qua" – hãng tin CNN dẫn lời Ngoại trưởng Pompeo ngày 25-7 cho biết.
Các thành phần của hệ thống S-400 được chuyển khỏi máy bay Nga tại căn cứ Murted của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
“Hôm nay họ đã nhận một số thành phần S-400 và chúng tôi hối thúc họ xem xét lại quyết định này”, ông Pompeo cho biết, thêm rằng họ phía Mỹ đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc kích hoạt S-400 là không thể chấp nhận được.
Hãng tin Bloomberg nhận định đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ có thể là một nỗ lực nhằm thỏa hiệp. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn chưa nhận được toàn bộ hệ thống S-400. Hoạt động bàn giao nhóm thiết bị S-400 đầu tiên đã hoàn tất và chuyến hàng thứ hai dự kiến được thực hiện vào những tháng tới.
Trước đó trang Defense One đưa tin Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham -đồng minh thân cận của Tổng thống Donald Trump – đã gọi cho Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để thảo luận về việc cho S-400 "xếp xó". Thượng nghị sĩ Graham cho biết ông đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không kích hoạt S-400, đổi lại không bị trừng phạt và giành được thỏa thuận thương mại tự do, theo báo cáo.
Ông Pompeo từ chối bình luận về thông tin trên. Hiện Tổng thống Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa bất đồng về các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả việc nước này mua S-400.
Theo Washington Post, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thượng viện James E. Risch dẫn đầu hối thúc ông Trump không từ bỏ lệnh trừng phạt nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ liên quan thương vụ mua S-400 từ Nga. Trong khi đó, ông Trump dường như muốn ủng hộ các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì trừng phạt khắc nghiệt.
Để đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô linh kiện S-400 đầu tiên từ Nga, Mỹ đã chính thức trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích hiện đại F-35 và để ngỏ khả năng liệu có bất kỳ sự hồi hoàn nào cho Thổ Nhĩ Kỳ không khi nước này đã bỏ ra 1,25 tỉ USD đầu tư cho dự án, theo RT.
Cùng lúc, bất chấp các cuộc thảo luận về các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt, Nhà Trắng từ chối thông qua một cách phản ứng toàn diện.
Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: GETTY
“Không có thời gian biểu cho lệnh trừng phạt mới. Tôi nghĩ chuyện nhớ rằng Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh NATO là quan trọng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh khi Tổng thống Trump tìm kiếm sự linh hoạt hơn trong cách đáp trả của ông.
Theo Sputnik, Tổng thống Trump cũng bất ngờ dịu giọng khi ngày 26-7, phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông tuyên bố: “Tôi không trách Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400 của Nga vì có rất nhiều hoàn cảnh”.
Theo ông Trump, Mỹ có thể dễ dàng bán tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ vốn dĩ được bàn giao cho nước này.
Một số thành viên trong Quốc hội Mỹ đã đe dọa sẽ thông qua dự luật trừng phạt mới để phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu ông Trump không áp đặt trừng phạt vào nước này.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang soạn thảo các kế hoạch đối phó lệnh trừng phạt, trong đó có kịch bản xấu nhất là lực lượng Mỹ bị trục xuất khỏi các căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ mà Washington sử dụng để khuếch trương ảnh hưởng của mình trong khu vực, đặc biệt ở Iraq và Syria.
“Chúng tôi hiện đang thực hiện tiến trình này, dù đó là Incirlik, Kurecik hay những vấn đề khác”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết.
“Nếu Mỹ thực hiện những bước đi tiêu cực đối với chúng tôi, dù là lệnh trừng phạt hay các bước đi khác, chúng tôi sẽ có câu trả lời cho Mỹ”, ông Cavusoglu nhấn mạnh.