Mỹ: 'Sẽ có hậu quả' nếu Trung Đông hợp tác với Nga, Trung Quốc

Phát biểu trong một hội thảo trực tuyến do Viện nghiên cứu Trung Đông (Mỹ) tổ chức ngày 1-6, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Dana Stroul khẳng định một số nước ở Trung Đông đang có dấu hiệu muốn thử thách, cố tình tạo sức ép trong quan hệ với Mỹ thông qua hợp tác với Nga, Trung Quốc trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh

"Tôi muốn cảnh báo lãnh đạo các nước này rằng tới một lúc nào đó thì cách hành xử như vậy không chỉ đe doạ quan hệ hợp tác với Mỹ mà còn làm ảnh hưởng tới vấn đề an ninh chủ quyền quốc gia của họ" - bà Stroul cho hay, theo hãng tin Sputnik.

Binh sĩ chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ ở căn cứ không quân Bagram thuộc tỉnh Parwan, Afghanistan hồi tháng 1-2019. Ảnh: REUTERS 

Cho biết thêm, quan chức này nhấn mạnh Mỹ hoàn toàn có thể cung cấp được mọi lợi ích mà việc hợp tác quốc phòng-an ninh với Nga, Trung Quốc mang lại cho các nước ở Trung Đông. Điều này cho thấy "lựa chọn ở đây đã hết sức rõ ràng". 

Cũng với nội dung cứng rắn tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 31-5 có bài phát biểu khẳng định quân đội Mỹ là lực lượng quân sự "tốt nhất" trên thế giới hiện nay và sẽ không chấp nhận bất kỳ lời chỉ trích nào từ giới lãnh đạo Trung Quốc và Nga.

"Tôi sẽ không để mình phải mất ngủ một phút nào trước những gì lãnh đạo Trung Quốc hoặc Nga phê phán quân đội Mỹ. Điều tôi sẽ làm là tập trung bảo vệ đất nước này và đảm bảo rằng chúng ta có những thứ cần thiết để thành công" - ông Austin chia sẻ.

Tất cả các phát ngôn nói trên diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc được cho là đang gấp rút chuẩn bị lực lượng để khoả lấp khoảng trống Mỹ để lại sau khi rút quân khỏi Afghanistan.

Theo tờ The Nikkei, Nga thời gian qua tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn, ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự và thỏa thuận phối hợp về phòng không với các đối tác ở Trung Á. Đơn cử, hồi tháng 4,Nga tổ chức tập trận quy mô lớn với Tajikistan với sự tham gia của hơn 50.000 binh sĩ và 700 hệ thống khí tài từ tiêm kích, xe tăng đến rocket và đạn pháo.

Còn Trung Quốc, nước này chủ yếu lan toả ảnh hưởng bằng con đường kinh tế - địa chính trị. Theo thống kê của tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ), ít nhất 17 nước Trung Đông đã gia nhập Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) và đồng ý cho Trung Quốc đấu thầu, triển khai các xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Quan hệ của Trung Quốc với một thế lực quan trọng ở Trung Đông ở Iran gần đây cũng có nhiều diễn biến có lợi. Lãnh đạo hai nước này hồi tháng 3 đã ký thành công thoả thuận hợp tác chiến lược 25 năm trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và thương mại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm