Đài CNN cho hay, các lựa chọn có tính răn đe đang được chú ý đến sau cuộc họp tại Nhà Trắng tuần trước. Khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton thảo luận với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan về việc phát triển các giải pháp cho cuộc khủng hoảng Venezuela.
Công việc ban đầu đang được thực hiện bởi Bộ tham mưu của Lầu Năm Góc, nơi tiến hành lập kế hoạch cho các hoạt động quân sự trong tương lai cùng với Bộ chỉ huy phía Nam, nơi giám sát bất kỳ sự can thiệp nào của quân đội Mỹ vào Nam Bán cầu.
Lầu Năm Góc ở Mỹ. Ảnh: CNN
Và mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây đã tuyên bố rằng "tất cả các lựa chọn" để đối phó với Venezuela vẫn còn trên bàn, nhưng một số quan chức Lầu Năm Góc tiếp tục nói rằng Bộ Quốc phòng không muốn sử dụng lực lượng quân đội Mỹ chống lại chính quyền ông Maduro để tạo cơ hội cho ông "chủ động từ bỏ quyền lực".
Trong khi Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi ông Maduro từ chức và yêu cầu quân đội Nga rời khỏi Venezuela, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump muốn đưa quân đội Mỹ vào một hoạt động quân sự lớn ở nước này.
Thay vào đó, các lựa chọn mang tính răn đe có thể bao gồm những cuộc tập trận hải quân của Mỹ trực tiếp trong khu vực, đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo và tương tác quân sự nhiều hơn với các nước láng giềng. Điều đó sẽ thách thức bất kỳ ý niệm nào của Nga, Cuba hay Trung Quốc rằng các nước này có thể có "quyền xâm nhập không giới hạn" vào khu vực.
Công việc lập kế hoạch sơ bộ đang được thực hiện.
Ông Pompeo, trong phát biểu đưa ra tại Paraguay vào ngày 13-4, đã nhắc lại rằng tất cả các lựa chọn cho Venezuela vẫn còn trên bàn. "Chúng tôi giữ tất cả các lựa chọn trên bàn vì điều đó rất quan trọng, ở chỗ chúng tôi không biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào", ông nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, trong chuyến công du ba ngày tới Chile, Paraguay và Peru, đã không trả lời trực tiếp câu hỏi về việc Mỹ có chiến lược đối phó ông Maduro hay không nếu ông Maduro nắm giữ quyền lực quân sự cần thiết để ở lại, nhưng nhấn mạnh rằng quyết định sẽ tùy thuộc vào người dân Venezuela.
"Chiến lược này không chỉ là một chiến lược của Mỹ. Đó là chiến lược của người dân Venezuela", ông Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn với đài VOA hôm 13-4.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: CNN
Trong chuyến đi của mình, ông Pompeo nói rằng khi các nước láng giềng của Venezuela đấu tranh để đối phó những người Venezuela rời bỏ đất nước Venezuela, điều này sẽ thách thức sự ủng hộ của Nga và Cuba.
Và ông Pompeo cũng đề cập Trung Quốc, một nước ủng hộ ông Maduro khác. "Khi Trung Quốc kinh doanh ở những nơi như Mỹ La-tinh, họ thường bơm vốn, điều này ăn mòn sức khỏe của nền kinh tế, góp phần nuôi tham nhũng và làm xói mòn hệ thống quản trị", ông Pompeo nói trong bài phát biểu ngày 12-4 tại Chile.