Ngày 19-6 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Myanmar vừa ra thông cáo phủ nhận nghị quyết mới nhất mà Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua về tình hình bất ổn chính trị ở nước này, theo tờ South China Morning Post.
Thông cáo nêu rõ nghị quyết không có giá trị ràng buộc pháp lý và là một văn kiện "một chiều dựa trên những cáo buộc và giả thuyết sai trái". Bộ Ngoại giao Myanmar cũng đã gửi thư phản đối chính thức cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid.
Binh sĩ Myanmar tham gia giải tán biểu tình ở TP Yangon hồi tháng 4. Ảnh: REUTERS
Một ngày trước, Đại Hội đồng LHQ đã tiến hành và bỏ phiếu thông qua nghị quyết về vấn đề Myanmar với 119 nước bỏ phiếu thuận. Belarus là quốc gia duy nhất bỏ phiếu phản đối trong khi 38 nước gồm Nga, Trung Quốc, Iran, Ai Cập, Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan bỏ phiếu trắng.
Những nước này cho rằng tình hình hiện nay ở Myanmar là việc nội bộ nên LHQ không nên can thiệp vào.
Theo nội dung nghị quyết, LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế ngừng vận chuyển vũ khí cho Myanmar và yêu cầu chính quyền quân sự lập tức quay lại con đường dân chủ, tổ chức bâu cử công bằng.
Chính quyền quân sự cũng phải trả tự do các lãnh đạo chính quyền dân sự và ngừng các biện pháp bạo lực chống lại người biểu tình.
"Chúng ta phải tạo điều kiện để nền dân chủ được phục hồi ngay cả khi nó không phải là một nền dân chủ hoàn hảo. Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà các cuộc chính biến như ở Myanmar là một sự kiện bình thường. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được" - ông Guterres nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar - bà Christine Schraner Burgener cảnh báo: “Mối đe dọa trong khu vực của cuộc khủng hoảng Myanmar là có thật. Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi kiềm chế tối đa và lên án mọi hình thức bạo lực tại quốc gia này. Thực tế, nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến quy mô lớn là có thật”.
Bà Schraner cũng cho biết nhiều người dân Myanmar đang tự trang bị vũ khí chống lại chính quyền quân sự và người dân không chỉ biểu tình ôn hòa mà đã chuyển sang hoạt động bạo lực, sử dụng vũ khí tự chế và được lực lượng vũ trang của các nhóm dân tộc thiểu số huấn luận.
Do đó, việc Đại Hội đồng LHQ ra lời kêu gọi cấm vận vũ khí Myanmar lúc này là phù hợp.