LHQ yêu cầu quân đội Myanmar 'ngừng sát hại' người biểu tình

Cao ủy nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) – bà Michelle Bachelet hôm 4-3 cho biết ít nhất 54 người đã thiệt mạng và hơn 1.700 người đã bị bắt kể từ khi nổ ra chính biến ở Myanmar hôm 1-2. Bà Bachelet yêu cầu quân đội Myanmar “ngừng sát hại” người biểu tình.

Bà Bachelet yêu cầu lực lượng an ninh Myanmar “chấm dứt cuộc đàn áp dữ dội của họ đối với những người biểu tình hòa bình”.

Hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar kể từ ngày 1-2. Ảnh: AFP

“Quân đội Myanmar phải dừng việc sát hại và bắt giam người biểu tình. Thật ghê tởm khi lực lượng an ninh bắt đạn thật vào người biểu tình trên khắp đất nước” – bà Bachelet nhấn mạnh.

Bà Bachelet nói thêm bà thấy kinh hoàng trước các cuộc tấn công được ghi nhận nhằm vào nhân viên y tế khẩn cấp và xe cứu thương đang nỗ lực chăm sóc những người bị thương.

Văn phòng nhân quyền LHQ cho biết họ đã chứng thực thông tin ít nhất 54 người đã bị cảnh sát và sĩ quan quân đội Myanmar bắt chết kể từ ngày 1-2.

 “Tuy nhiên, con số thực sự có thể còn cao hơn nhiều vì đây chỉ là con số mà văn phòng có thể xác minh” – Văn phòng nhân quyền LHQ nhấn mạnh.

Những vụ sát hại người biểu tình leo thang nghiêm trọng trong những ngày gần đây.

Trong số 38 người thiệt mạng được các cơ quan khác của LHQ báo cáo hôm 3-3, Văn phòng nhân quyền LHQ đã xác minh 30 trường hợp tử vong. Văn phòng cho biết những vụ sát hại người biểu tình của lực lượng an ninh Myanmar xảy ra tại Yangon, Mandalay, Sagaing, Magway và Mon.

Một người khác được ghi nhận bị giết chết hôm 2-3, 18 trường hợp tử vong khác hôm 28-2 và năm người thiệt mạng được ghi nhận trước đó.

Văn phòng nhân quyền LHQ cho biết rất khó để ghi nhận con số thương tích, nhưng ít nhất đã có hàng trăm người bị thương trong các cuộc biểu tình.

Kể từ khi chính biến, hơn 1.700 người đã bị bắt và giam giữ tùy tiện liên quan tới việc họ tham gia biểu tình hoặc tham gia hoạt động chính trị, theo tuyên bố của Văn phòng nhân quyền LHQ.

Ít nhất 700 người đã bị bắt chỉ riêng trong ngày 3-3.

Chấm dứt sự kìm kẹp của quân đội

Những người bị bắt bao gồm nghị sĩ, nhà hoạt động chính trị và nhân quyền, quan chức bầu cử, giáo viên, nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhà báo và nhà sư, tuyên bố cho biết.

Người biểu tình Myanmar chặn một con đường trong cuộc biểu tình phản đối chính biến ở Yangon hôm 4-3. Ảnh: REUTERS

“Nhiều vụ bắt giữ và giam giữ tùy tiện được thực hiện từ ngày 1-2 có thể cầu thành những vụ cưỡng chế mất tích” – bà Bachelet cảnh báo. Bà kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ tùy tiện.

Bà Bachelet bày tỏ lo ngại trước việc quân đội Myanmar nhắm vào nhân viên truyền thông, khi ít nhất 29 nhà báo bị bắt trong những ngày gần đây. Tám nhà báo trong số đó đã bị buộc các tội như kích động chống đối hoặc chống chính phủ và tham gia các cuộc hội họp trái phép.

“Tôi kêu gọi tất cả những có thông tin và tầm ảnh hưởng ủng hộ các nỗ lực quốc tế để bắt giới lãnh đạo quân sự chịu trách nhiệm cho những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng mà họ đã thực hiện cả hiện nay và trong quá khứ” – bà Bachelet nói.

 “Đây là thời điểm để thay đổi tình thế hướng tới công lý và chấm dứt sự kìm kẹp của quân đội đối với nền dân chủ ở Myanmar”- bà nhấn mạnh.

Theo Reuters, Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến thảo luận về tình hình ở Myanmar tại một phiên họp kín vào ngày 5-3.

Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết cờ sẽ được treo rủ tại các văn phòng của đảng này để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình.

Kêu gọi cấm vận vũ khí toàn cầu, trừng phạt Myanmar

Theo hãng tin AFP, trong báo cáo mới nhất, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar – ông Thomas Andrews kêu gọi cộng đồng quốc tế “hành động khẩn trương và quyết liệt” để ủng hộ những người đòi nền dân chủ quay trở lại Myanmar.

Ông Andrews cho rằng Hội đồng Bảo an LHQ nên áp đặt lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu và lệnh trừng phạt kinh tế có mục tiêu vào quân đội Myanmar và các nguồn thu của quân đội.

Báo cáo cho biết cũng nên đề cập tình hình tại Myanmar để Tòa án Hình sự Quốc tế để điều tra và có thể truy tố những tội ác tàn bạo đã xảy ra, bao gồm diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Bên cạnh đó, LHQ và cộng đồng quốc tế phải từ chối công nhận chính quyền quân sự là chính phủ hợp pháp của Myanmar, chuyên gia nói.

 “Tôi hối thúc các thành viên của Hội đồng Bảo an xem xét sự tàn bạo không ngừng mà chúng ta đang chứng kiến ở Myanmar”- ông Andrews nói trong tuyên bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm