Sau khi tăng thuế quan lên 25% đánh vào 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ), Mỹ đang thảo luận đề xuất đánh tiếp vào số hàng còn lại, đưa tổng giá trị hàng hóa TQ bị đánh thuế cao lên tới 500 tỉ USD, theo tờ The Washington Post. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ vạch ra dự thảo luật này vài giờ đồng hồ sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế 5%-25% vào 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Mặc dù các nhà lập pháp cần thảo luận đề xuất này trong phiên điều trần trước khi chính thức tuyên bố hiệu lực, nhiều nhà kinh tế bắt đầu lo ngại và hoang mang về những thiệt hại nặng nề họ phải gánh chịu. Hy vọng một kết thúc tốt đẹp cho cuộc chiến thương mại có vẻ là điều khá xa xỉ tại thời điểm này.
Từ chính sách chiến lược
Động thái trả đũa mới của TQ cho thấy chính quyền Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tin rằng việc nhân nhượng các yêu cầu từ Washington sẽ làm suy yếu vị thế của mình trong thị trường nội địa, một số nhà phân tích cho biết.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), cho rằng TQ đã gần như chấp thuận những điều khoản có lợi cho Mỹ nhưng hệ thống pháp luật của họ không cho phép điều đó.
Về chính quyền Washington, việc đồng ý ít điều khoản hơn thỏa thuận một tuần trước đó với TQ là điều không thể chấp nhận. Theo tờ South China Morning Post, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại người Mỹ sẽ đổ lỗi cho chính quyền của ông về thiệt hại kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra trước thềm bầu cử tổng thống năm 2020.
“Người tiêu dùng Mỹ không lý nào phải trả tiền cho việc tăng thuế mà chính TQ mới là người chịu thiệt hại. Hơn nữa, chúng ta có thể tránh giá cao bằng cách mua hàng từ các nước miễn thuế hoặc mua sản phẩm sản xuất nội địa (ý kiến tuyệt vời nhất)” - ông Trump viết trong một tweet đăng tải ngày 13-5.
Bà Glaser cho rằng cả hai bên đang phân tích sức khỏe nền kinh tế và sức ép trong nước cũng như tình hình thế giới qua những bước tiến mới này. “Cả hai đều nghĩ họ có thế mạnh hơn đối phương nên một thỏa thuận chung có vẻ không dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến càng kéo dài, không những nền kinh tế Mỹ mà sự phát triển toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng” - bà Glaser tuyên bố.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thủ đô Washington, Mỹ tháng 4-2019. Ảnh: AFP
Đến thiệt hại kinh tế
Tờ nhật báo Hong Kong cho biết không những doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước mà nền kinh tế thế giới nói chung cũng sẽ chịu nhiều thiệt hại trong trận chiến thuế quan chưa có điểm dừng giữa hai cường quốc kinh tế TQ và Mỹ. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 4, tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể giảm 0,3%-0,6%, trong khi con số tương ứng mà nền kinh tế TQ phải gánh chịu là 0,5%-1,5% nếu hai bên đánh thuế 25% vào hàng hóa của nhau.
Chỉ riêng ở Mỹ, nếu Washington áp 25% thuế vào 200 tỉ USD hàng hóa TQ, trung bình một hộ gia đình bốn người sẽ phải trả thêm 767 USD mỗi năm cho hàng gia dụng. Con số này sẽ tăng lên đến 2.294 USD nếu số hàng nhập khẩu còn lại từ TQ chính thức chịu chung số phận, theo Trade Partnership Worldwide.
Về phía TQ, dù vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ với xuất khẩu tăng 7% trong năm ngoái, dòng chảy thương mại đến Mỹ đã giảm 9% trong quý đầu tiên năm 2019. Tuy nhiên, chuyên gia Meredith Crowley từ ĐH Cambridge (Anh) nhận xét vẫn chưa có bằng chứng các công ty TQ giảm giá thành sản phẩm để giữ khách hàng từ Mỹ. “Một số nhà xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế đã bắt đầu tìm kiếm nguồn nhập từ các nước khác. Thuế quan thực sự đã ảnh hưởng tới doanh thu của họ” - ông Crowley đánh giá trong một phỏng vấn với hãng tin BBC.
Đây là một quyết định chính trị cho các nhà lãnh đạo chứ không phải trong lĩnh vực kinh tế. Liệu lợi ích từ việc đối đầu TQ có thể thay đổi các thiệt hại kinh tế? Đây mới là câu hỏi quan trọng cần giải đáp. ELY RATNER, Phó Chủ tịch Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) |
Nga: Đối tác thương mại và ngoại giao
Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh với Washington còn chưa có hồi kết, Kremlin đang cố gắng khẳng định mình là đối tác thương mại và ngoại giao không thể thiếu đối với TQ. Theo nhà báo Dmitriy Frolovskiy, Chủ tịch Tập đã đến thăm Moscow nhiều hơn bất kỳ thủ đô nào khác kể từ khi ông trở thành lãnh đạo TQ. Tháng 6-2018, ông Tập đã trao tặng Tổng thống Nga Vladimir Putin huân chương tình bạn đầu tiên của TQ, vinh danh ông là “người bạn thân thiết nhất”.
Thương mại song phương Nga-Trung cũng tăng từ 69,6 tỉ USD trong năm 2016 lên 107,1 tỉ USD vào năm ngoái. TQ trở thành đối tác lớn nhất của Nga cả hai lĩnh vực xuất và nhập khẩu. Bên cạnh đó, Moscow còn là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Bắc Kinh và đang lên kế hoạch xuất khẩu 38 tỉ m3 khí đốt mỗi năm trong ba thập niên tại một thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD.
Trong khi vẫn còn những bất đồng trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung và căng thẳng nhắm vào lực lượng quân sự ngày càng gia tăng của TQ trên các khu vực biển, việc có một đối tác tin cậy qua thời gian có thể là một nhân tố quan trọng trong chiến lược thương mại và năng lượng của Bắc Kinh.
TQ không phải là quốc gia duy nhất phải đương đầu với Mỹ trong chiến tranh thương mại, theo hãng tin CNBC. Năm 2018, thép và nhôm từ hai nước châu Mỹ là Canada và Mexico đều bị đánh thuế 25% và 10%. Canada đã trả đũa bằng cách đánh thuế đối với hàng xuất khẩu Mỹ, bao gồm rượu whisky trị giá hơn 12 tỉ USD. Mexico cũng áp thuế đối với xấp xỉ 3 tỉ USD hàng nhập từ Mỹ. Cả hai nước đang xem xét các biện pháp trả đũa mới để gây áp lực buộc Mỹ giảm thuế kim loại. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang làm việc để tránh một căng thẳng thương mại khác. Năm ngoái, sau khi ông Trump tuyên bố đánh thuế vào thép và nhôm từ khu vực đồng euro, EU lập tức đáp trả lên hàng hóa trị giá 2,4 tỉ USD của Mỹ. Tổng thống Trump cũng mong chờ để ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và Anh sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và giữa tình hình Anh vẫn chưa chính thức rời EU. |