Ngày 20-5, phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Dmitry Polyanskiy tuyên bố rằng “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Venezuela" cần được duy trì bằng hình thức đối thoại trong nước, thay vì can thiệp từ bên ngoài, theo hãng tin Sputnik.
Trong cuộc họp tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, ông Polyanskiy đã khẳng định: "Sự vi phạm chủ quyền đối với Venezuela gần đây đang gây ra mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình của đất nước này”.
Một cuộc họp của HĐBA LHQ. Ảnh: AP
Ông Polyanskiy nói thêm rằng: “Nga đã chuẩn bị một bản dự thảo báo chí cho HĐBA để tuyên bố về giải quyết vấn đề Venezuela”.
"Các thành viên của HĐBA đã lên tiếng rằng tình hình hiện tại ở Venezuela cần được giải quyết bằng các cuộc đối thoại lớn của chính người Venezuela, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Những cuộc đối thoại này tiến hành thông qua các biện pháp hòa bình và chính trị theo Chương 6 của Hiến chương LHQ, trong khuôn khổ Hiến pháp quốc gia và tôn trọng hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Venezuela” - hãng Sputnik dẫn tuyên bố từ ông Polyanskiy.
Twitter của ông Polyanskiy nói về dự thảo báo chí cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Venezuela. Ảnh: TWITTER
Theo Sputnik, Nga lên tiếng về việc này ngay sau khi tờ The Wall Street Journal đưa tin Mỹ đang xem xét áp một đợt trừng phạt mới lên Iran để ngăn nước này xuất khẩu nhiên liệu sang Venezuela.
Hôm 15-5, nguồn tin nói rằng Mỹ sẽ tiến hành các hành động ngăn chặn các tàu chở dầu từ Iran đến Venezuela. Năm tàu chở dầu từ Iran đang trên đường tới Venezuela, theo Sputnik.
Hiện nay, Venezuela đang rơi vào khủng hoảng nhiên liệu do các lệnh trừng phạt nhắm vào công ty dầu khí PDVSA của nước này.
Tại một diễn biến khác có liên quan, ngày 19-5 vừa qua, Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza cho hay Caracas sẽ đưa các vấn đề thương mại dầu mỏ của họ mà có liên quan đến Washington lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
“Mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt mới cho thấy Mỹ đang gây hấn với Venezuela. Với việc ngăn chặn các nguồn cung dầu mỏ, thuốc men, thực phẩm và vật tư đối với người dân chúng tôi, Mỹ đang thực hiện một tội ác. Chúng tôi sẽ nêu vấn đề này trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)” - ông Arreaza đưa ra tuyên bố trên truyền thông nước này.
Tuy nhiên, hồi năm 2002 Mỹ đã không phê chuẩn Quy chế Rome về việc thành lập ICC. Điều này có nghĩa là Mỹ không phải là thành viên của ICC nên việc Venezuela đưa vấn đề thương mại dầu mỏ lên ICC là điều không có triển vọng, theo Sputnik.