Đặc phái viên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-6 cho biết Mỹ và Nga đã đồng ý tổ chức một cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân, đồng thời gửi lời mời Trung Quốc cùng tham dự.
“Hôm nay chúng tôi đã thỏa thuận với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov về thời gian và địa điểm cho cuộc đàm phám vũ khí hạt nhân trong tháng 6 này. Chúng tôi cũng đã gửi lời mời đến cho Trung Quốc” - ông Marshall Billingslea, đặc phái viên của Tổng thống Trump về kiểm soát vũ khí viết trên trang Twitter cá nhân.
“Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Trung Quốc sẽ xuất hiện và tham gia đàm phán với thiện chí hay không” - ông Billingslea nói thêm.
Ý định mời Trung Quốc tham gia được đưa ra bất chấp việc Bắc Kinh nhiều lần khẳng định rằng họ không quan tâm đến việc tham dự các cuộc đàm phán nào nữa về vũ khí hạt nhân, theo tờ South China Morning Post.
Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Trump cho biết Mỹ và Nga đã đồng ý tổ chức đàm phán về vấn đề hạt nhân, đồng thời gửi lời mời đến Trung Quốc. Ảnh: Twiiter
Hôm 8-6, Bloomberg đưa tin cuộc đàm phán này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 22-6 tại Vienna (Áo).
Đây sẽ là một bước tiến mới liên quan đến hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân đã tồn tại hàng chục năm qua giữa Washington và Moscow - Hiệp ước START mới, dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin của ông Billingslea.
Về phần mình, chính phủ Nga cho rằng nên có một cuộc đàm phán giữa hai quốc gia để xử lý Hiệp ước START mới trước khi nó hết hiệu lực.
Mỹ cũng đã luôn thể hiện thái độ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận nhằm đảm bảo hai nước tiếp tục thu hẹp quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết có sự tham gia của Trung Quốc trên bàn đàm phán.
Trước đó vào tháng 5-2020, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không có ý định tham gia bất kỳ cuộc đàm phán ba bên nào về vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka, Nhật Bản vào tháng 6-2019. Ảnh: AP
Ông Billingslea cũng cảnh báo Bắc Kinh có thể đang xây dựng “một chương trình hạt nhân bí mật” mà không hề chịu bất kì sự ràng buộc nào, do đó quốc gia này phải tham gia đàm phán với các quốc gia hạt nhân khác.
Hiện chưa rõ liệu chiến lược của Washington nhằm kéo Trung Quốc vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân với Nga có hiệu quả hay không, theo South China Morning Post.
Nga và Mỹ là hai các cường quốc hạt nhân của thế giới, ước tính sở hữu hàng ngàn vũ khí hạt nhân các loại. Trung Quốc có khoảng 200-300 vũ khí hạt nhân.