Phát biểu trong diễn đàn với các lãnh đạo châu Á, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thừa nhận rằng Phnom Penh cần phải dựa vào Trung Quốc, tờ Nikkei Asia đưa tin.
Ngày 20-5, Nikkei Asia đã phối hợp với các đối tác tổ chức Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 dưới hình thức trực tuyến. Hội nghị quy tụ lãnh đạo nhiều nước như thủ tướng các nước Nhật, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Pakistan, Nepal cùng nhiều lãnh đạo và học giả đến từ Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Lào, Sri Lanka…
Phát biểu tại hội nghị, ông Hun Sen đã bảo vệ lập trường của Campuchia trước những chỉ trích rằng nước này đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
"Nếu không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai? Nếu không nhờ Trung Quốc thì tôi phải hỏi nhờ ai?" - ông Hun Sen nói, đồng thời gọi những chỉ trích nhắm vào Phnom Penh là "không công bằng".
Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu hôm 20-5 trong Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 (trực tuyến). Ảnh: NIKKEI ASIA
Về cuộc chiến chống COVID-19, ông Hun Sen nhắc tới yêu cầu phân phối vaccine một cách dễ tiếp cận và loại bỏ các hạn chế đối với việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ y tế xuyên biên giới.
"Châu Á cần đặt ưu tiên cao và hết sức coi trọng việc đảm bảo vaccine và thuốc chữa COVID-19 là hàng hóa công cộng toàn cầu, sẽ được cung cấp và phân phối vì mục đích nhân đạo cho mọi quốc gia, đặc biệt là các nước dễ bị tổn thương" - ông Hun Sen nói.
Thủ tướng Campuchia cũng lưu ý rằng "nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, có thể chúng tôi (tức chính quyền Phnom Penh - PV) sẽ không có vaccine cho người dân của mình".
Campuchia là một trong những quốc gia đầu tiên ở tây Thái Bình Dương nhận được vaccine ngừa COVID-19 theo chương trình vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối. Tuy nhiên, phần lớn vaccine mà nước này nhận được là từ Trung Quốc.
Theo tờ Khmer Times, Campuchia đã nhận 1,7 triệu liều vaccine của Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm dưới dạng viện trợ từ Bắc Kinh, 2,5 triệu liều vaccine mua từ công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, trong khi số vaccine nhận được từ COVAX chỉ là 324.000 liều.
Nước này đã triển khai 3,5 triệu liều vaccine và 1,34 triệu người - chiếm 8,1% dân số Campuchia - đã được tiêm đủ hai liều vaccine.
Tính tới ngày 20-5, đã có gần 23.700 người nhiễm COVID-19 ở Campuchia, trong đó 164 bệnh nhân đã tử vong.
Campuchia bác tin đồn căn cứ cho Trung Quốc, phản đối lệnh trừng phạt của EU
Ông Hun Sen một lần nữa bác bỏ tin đồn về việc Campuchia cho phép Trung Quốc sử dụng một cảng của nước này cho mục đích quân sự. Thủ tướng Campuchia nêu rõ hiến pháp của nước này cấm việc cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia, đồng thời nhấn mạnh chính quyền Phnom Penh hoan nghênh bất kỳ nước nào gửi tàu tới để tăng cường hợp tác với Campuchia.
Ngoài ra, ông Hun Sen cũng nêu rõ Phnom Penh "không đóng cửa với bất kỳ nước nào" nếu các đối tác muốn hỗ trợ xây dựng và phát triển đất nước Campuchia.
Trong hội nghị quốc tế này, ông Hun Sen cũng bảo vệ quyết định của chính quyền đương nhiệm yêu cầu giải thể đảng Cứu quốc Campuchia đối lập. Ông Hun Sen cho rằng việc EU chỉ trích quyết định trên và áp lệnh trừng phạt Phnom Penh là "không phù hợp với thực tế".
Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh rằng việc giải thể đảng Cứu quốc là vấn đề nội bộ và rằng sẽ "không thể chấp nhận được" nếu một quốc gia độc lập có chủ quyền như Campuchia không thể thi hành luật pháp của mình.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu hôm 20-5 trong Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 (trực tuyến). Ảnh: NIKKEI ASIA
Cùng phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã nhắc tới việc thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mục tiêu phát triển "không gian số mở và tự do ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi châu Á hợp tác chặt chẽ để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt nhấn mạnh các nước Đông Nam Á có thể là cầu nối cho hợp tác Mỹ-Trung. Còn lãnh đạo Thái Lan và Malaysia đã nhắc tới các vấn đề liên quan tới COVID-19.
Ngày 21-5, Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 sẽ tiếp tục với ngày làm việc còn lại theo kế hoạch đã định trước.