Ngày 31-8 Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết các chuyên gia tư pháp nước này đang soạn thảo các điều khoản sửa đổi Hiến pháp, hãng thông tấn BelTA đưa tin.
Ông Lukashenko cho biết các thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp và các chuyên gia Belarus đang thảo luận để sửa đổi Hiến pháp. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được công bố công khai để người dân được nêu lên ý kiến của mình.
Tổng thống Alexander Lukashenko (trái) gặp Chủ tịch Tòa án tối cao Belarus Valentin Sukalo (phải). Ảnh: BELTA
Tổng thống Lukashenko nhấn mạnh rằng "tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang đòi hỏi thay đổi", nên hiểu rằng mọi cử tri, bao gồm những người đang xuống đường biểu tình ở thủ đô Minsk, đều có một lá phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp Belarus.
Một lượng lớn thiếu niên chưa đủ tuổi bỏ phiếu đang tham gia biểu tình nhưng chắc chắn nhóm người trẻ này sẽ không được bỏ phiếu theo đúng luật pháp Belarus. Dù vậy, ý kiến của nhóm này vẫn sẽ được xem xét, ông Lukashenko lưu ý.
Trong bài phát biểu ngày 31-8, ông Lukashenko cũng thừa nhận rằng hệ thống chính trị Belarus có một số vấn đề, phần nào đúng với những lý lẽ mà phe đối lập đưa ra để đòi hỏi cải cách, theo hãng thông tấn TASS.
Về nội dung sửa đổi, ông Lukashenko khẳng định Belarus sẽ không khôi phục bản Hiến pháp năm 1994 bởi vì một động thái như vậy "có lẽ là sự thay đổi nhưng không phải là chuyển biến tiến bộ".
Ông Lukashenko khẳng định điều này trong cuộc gặp Chủ tịch Tòa án tối cao Belarus Valentin Sukalo ngày 31-8.
Theo Hiến pháp 1994, tổng thống chỉ có thể nắm quyền hai nhiệm kỳ. Sau đó, Hiến pháp Belarus đã được sửa đổi hai lần (năm 1996 và năm 2004) và xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ trên.
Trong số những người ủng hộ khôi phục Hiến pháp 1994 có cựu Bộ trưởng Văn hóa Pavel Latushko, một thành viên trong Hội đồng Điều phối do lãnh đạo đối lập Svetlana Tikhanovskaya thành lập phục vụ yêu cầu chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự ở Belarus.
Các cuộc biểu tình ở Belarus sau khi kết quả bầu cử tổng thống hôm 9-8 được công bố hiện vẫn tiếp tục. Những người chỉ trích cho rằng cuộc bầu cử không công bằng và phủ nhận kết quả bỏ phiếu.
Bà Tikhanovskaya - người về thứ hai trong cuộc bầu cử hôm 9-8 với số phiếu hơn 10% - đã lánh sang quốc gia láng giềng Lithuania. Bà vẫn tiếp tục liên hệ với những người ủng hộ qua các video trên mạng xã hội.