Ông Macron: Cảnh sát Pháp đánh người da màu là một nỗi xấu hổ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 27-11 cho biết vụ việc cảnh sát Paris đánh đập một nhà sản xuất âm nhạc người gốc Phi là điều đáng xấu hổ đối với nước Pháp, và chính phủ sẽ phải tìm cách khôi phục lại niềm tin từ người dân.

Hãng tin Reuters cho hay, văn phòng Công tố Paris đã bắt giữ và đang thẩm vấn bốn viên cảnh sát có liên quan đến vụ người đàn ông da màu tên Michel Zecler bị phân biệt chủng tộc và hành hung một cách bạo lực.

Video quay lại sự việc đã được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội và gây xôn xao khắp châu Âu.

“Hình ảnh mà chúng ta thấy về vụ hành hung ông Michel Zecler là không thể chấp nhận được, chúng thật đáng xấu hổ. Nước Pháp không bao giờ được phép xảy ra bạo lực với bất cứ ai. Chúng ta không được dung túng cho sự căm ghét và phân biệt chủng tộc” - ông Macron viết trên trang Facebook của mình.

“Những người thực thi và bảo vệ luật pháp cũng phải biết tôn trọng luật pháp” - Tổng thống Pháp đề nghị lực lượng công an nước này phải biết làm gương, thêm rằng ông đã yêu cầu chính phủ khẩn trương đưa ra các đề xuất để khôi phục niềm tin của nhân dân vào cảnh sát.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại lễ kỷ niệm ngày dấu sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ nhất tại Paris, ngày 11-11. Ảnh: REUTERS

Trước đó, vào ngày 21-11, Zecler cho biết anh đang đi bộ trên đường nhưng không đeo khẩu trang nên một xe cảnh sát đã đi theo anh. Zecler sau đó đã đi vào studio gần đó của mình để tránh bị phạt. Tuy nhiên, những sĩ quan cảnh sát này đã theo Zecler vào bên trong và hành hung anh, Reuters đưa tin.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin khẳng định các sĩ quan cảnh sát liên quan sẽ bị trừng phạt nếu những hành vi sai trái ấy được xác nhận đã thật sự diễn ra.

Vụ việc Zecler bị cảnh sát tấn công có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng giữa người dân và chính quyền về vấn đề phân biệt chủng tộc ở nước này những tháng gần đây.

Người dân Pháp xuống đường biểu tình. Ảnh: AP

Theo đó, khoảng 3.500 người đã tuần hành phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát, một số tham gia để ủng hộ Zecler. Một cuộc biểu tình tương tự dự kiến sẽ diễn ra ở Paris vào ngày 28-11 (giờ địa phương).

Người đứng đầu Tổ chức chống phân biệt chủng tộc SOS Racisme - ông Dominique Sopo tiết lộ Zecler từng là mục tiêu của một “cuộc tấn công phân biệt chủng tộc” trước đây.

“Đối với những sĩ quan cảnh sát đã hành hung Zecler, họ chắc phải cảm thấy tệ hại lắm chứ. Những sự việc như thế này đã diễn ra từ lâu nhưng chưa có ai bị xử lý sau đó” - ông Sopo nói thêm.

Người dân Pháp cẩm bảng hiệu, xuống đường biểu tình chỉ trích sự tàn bạo của lực lượng cảnh sát. Ảnh: REUTERS

Trước đó, vào tháng 5, vụ việc một người đàn ông Mỹ gốc Phi tên George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết ở bang Minneapolis đã khơi dậy làn sóng phẫn nộ từ người dân các nước phương Tây, với sự xuất hiện của phong trào “BlackLivesMatter” (Người da đen đáng sống). 

Người dân Mỹ và các nước phương Tây đổ xuống đường biểu tình, lên tiếng chỉ trích sự tàn bạo của lực lượng cảnh sát đối với các cộng đồng người da màu.

Cái chết của Floyd có ảnh hưởng rất lớn tại Pháp, đặc biệt ở các vùng ngoại ô thành phố, nơi cảnh sát thường đụng độ với những thanh niên thuộc các dân tộc thiểu số, theo Reuters.

Suốt một tuần qua, cảnh sát Paris phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi những bức ảnh và đoạn video được lan truyền khắp mạng xã hội cho thấy cảnh sát thành phố này đã đánh người biểu tình khi họ dọn dẹp một khu cắm trại ở quảng trường trung tâm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm