Theo tờ The Washington Post, giới chức Mỹ cho biết khả năng cho một cuộc phản công quân sự đã thúc đẩy một cuộc tranh luận nội bộ gay gắt giữa các quan chức hàng đầu của ông Trump.
Một thông điệp về sự trả đũa như vậy đã được đưa ra trong chuyến thăm vội vã tới Baghdad hồi tháng 5 sau khi giới chức nước này cho rằng các nhóm dân quân ủy nhiệm của Iran có thể tiếp tục tấn công các lực lượng Mỹ hoạt động ở Iraq.
Mặc dù các cuộc tấn công như vậy rất phổ biến trong Chiến tranh Iraq, ông Pompeo cũng nói với các nhà lãnh đạo Iraq trong một thông điệp mà ông biết sẽ được chuyển tiếp tới Tehran rằng, chỉ cần duy nhất một trường hợp tử vong của người Mỹ cũng sẽ khiến Mỹ đánh trả.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: REUTERS
Thêm vào đó, phát biểu trong chuyến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ tại Tampa hôm 18-6, ông Pompeo nói ông Trump không muốn chiến tranh, nhưng nhấn mạnh Mỹ sẽ hành động nếu bị tấn công. “Chúng tôi đang ở đó để ngăn chặn sự xâm lấn”, ông Pompeo nói.
Bên cạnh đó, sự ra đi đột ngột hôm 18-6 của ông Patrick Shanahan, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kể từ tháng 1, đã cho thấy những bất đồng không thể hóa giải trong nội bộ nước Mỹ. Được biết, quan điểm của ông Shanahan là giảm khả năng gây ra chiến sự.
Sự rút lui của ông Shanahan đã làm dấy lên những lo ngại rằng những người có quan điểm diều hâu trong Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao có thể đẩy quân đội vượt khỏi nhiệm vụ cụ thể là tiêu diệt tàn quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, làm tăng khả năng xung đột với Iran.
Ngoài ra, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã chi phối chính sách của Iran, kiểm soát chặt chẽ thông tin gửi đến tổng thống và giảm mạnh các cuộc họp để thảo luận về chính sách này.
Trước tình thế này, người phát ngôn của Lầu Năm Góc từ chối bình luận và người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia không đưa ra bình luận.
Một cuộc tấn công vào tuần trước đối với hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman, mà chính quyền Trump ra sức đổ lỗi cho Tehran cùng với lời đe dọa từ các nhà lãnh đạo Iran vì Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015 đã làm tăng thêm sự lo lắng cho Lầu Năm Góc. Các tính toán sai lầm về phía lực lượng Iran có thể châm ngòi cho xung đột.
Hôm 17-6, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ gửi thêm 1.000 quân tới Trung Đông, một bước nữa để tăng cường vị thế của Mỹ trong khu vực. Việc tăng cường quân số đã gây ra những cuộc tranh luận nội bộ về cách tốt nhất để thực hiện các mệnh lệnh của tổng thống.
Trong khi giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ tìm cách thương lượng, làm suy yếu Iran thông qua các lệnh trừng phạt nhưng không mạnh đến mức Iran sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Những người khác thì lập luận rằng mục tiêu của ông Trump là phá hủy thỏa thuận hạt nhân bằng mọi giá và theo đuổi nhiều hơn chính sách mở rộng tìm cách làm tê liệt lực lượng Iran trên toàn khu vực.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đã lên tiếng lo ngại về các hoạt động của Iran nhưng cũng kêu gọi cả hai bên tránh căng thẳng gia tăng. Một quan chức Đức, nói về điều kiện giấu tên, cho biết Berlin muốn tình hình dịu xuống và tin rằng chiến dịch gây áp lực của Mỹ đã châm ngòi cho phản ứng của Iran. “Người Mỹ đã tạo ra mớ hỗn độn này và giờ họ phải tìm cách thoát ra”.
Trong khi giới chức Mỹ ở Lầu Năm Góc đã thể hiện sự ủng hộ với chiến dịch gây sức ép của chính quyền Trump, một số người đã lo ngại rằng hành động leo thang có thể vô tình làm cho Mỹ giảm bớt sự an toàn ở Trung Đông và làm suy yếu mục tiêu của Tổng thống về việc đưa quân đội khỏi khu vực.
Cũng tại Lầu Năm Góc, giới chức Mỹ đã âm thầm lên tiếng lo ngại rằng quỹ đạo hiện tại có thể khiến xung đột quân sự trở thành sự thật.
Trong những tháng gần đây, các nhà lãnh đạo quân sự đã tìm cách vạch ra một đường lối cẩn thận: đảm bảo các nguồn lực quân sự mà họ tin là cần thiết để bảo vệ quân đội Mỹ trong khu vực và ngăn chặn các hành động khiêu khích của Iran mà không làm tăng khả năng xảy ra chiến tranh, cuộc chiến mà họ cho rằng sẽ kéo dài và đẫm máu.